Bộ Tài chính vừa ban hành văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật quy định về phí, lệ phí còn hiệu lực thi hành do bộ, ngành, địa phương mình đang thu, quản lý và sử dụng, để phân loại xử lý làm cơ sở để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành mới, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Cụ thể tại văn bản này, Bộ Tài chính đề nghị, việc rà soát các Nghị định, thông tư hướng dẫn khoản phí, lệ phí đang thu theo Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí để xử lý.
Theo đó, trường hợp khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, nay không có tên trong Danh mục phí kèm theo Luật Phí và lệ phí thì kể từ ngày 1/1/2017 sẽ dừng thu.
Để đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công và cải cách thủ tục hành chính, Luật phí và lệ phí đã bãi bỏ 26 khoản phí và 68 khoản lệ phí, chuyển 15 khoản phí sang cơ chế giá thị trường và 29 khoản phí sang cơ chế giá dịch vụ do Nhà nước định giá so với Danh mục phí, lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh phí, lệ phí.
Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về phí và lệ phí cũng sẽ hết hiệu lực do Pháp lệnh Phí và lệ phí và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Pháp lệnh hết hiệu lực thi hành từ 1/1/2017.
Trường hợp khoản phí, lệ phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí, đề nghị các bộ, ngành chủ động chỉ đạo xây dựng Đề án thu phí và dự thảo các thông tư thu phí cần ban hành gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/7/2016 (đối với các khoản phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân (HĐND) cùng cấp ban hành văn bản thu phí (đối với phí thuộc thẩm quyền HĐND), đảm bảo hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Trường hợp khoản phí nào có tên trong Danh mục kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, nay thuộc Danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá thì sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá.
Cùng với việc rà soát, Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân loại tổ chức thu phí, lệ phí để xác định cơ chế quản lý sử dụng theo quy định của Luật Phí và lệ phí.
Cụ thể, theo quy định của Luật Phí và lệ phí thì việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí được phân biệt theo cơ quan Nhà nước (bao gồm trường hợp không được khoán chi phí hoạt động và được khoán chi phí hoạt động), đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện.
Theo đó, trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước không được khoán chi phí hoạt động thì toàn bộ số tiền phí thu được phải nộp vào NSNN. Chi phí trang trải cho việc thu phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì tổ chức thu được để lại một phần số tiền phí thu được, phần còn lại nộp NSNN.
Trường hợp tổ chức thu phí là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thì tổ chức thu được để lại một phần hoặc toàn bộ số tiền phí thu được để trang trải chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, phần còn lại nộp NSNN.
Cũng theo Bộ Tài chính, để đảm bảo quản lý thống nhất nguồn thu từ phí, lệ phí; đồng bộ với quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Phí và lệ phí, đề nghị các bộ, ngành địa phương thực hiện phân loại tổ chức thu theo các hình thức:
Cơ quan nhà nước, chia ra 2 loại: Không được khoán chi phí hoạt động; được khoán chi phí hoạt động. Đơn vị sự nghiệp và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Bộ Tài chính cho biết hiện đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Phí và lệ phí để gửi xin ý kiến trước khi trình Chính phủ ban hành.
Về lệ phí, căn cứ quy định hiện hành, kể từ ngày 1/1/2017, các tổ chức thu lệ phí phải nộp toàn bộ số lệ phí thu được vào NSNN. Nguồn chi phí trang trải cho việc thu lệ phí do NSNN bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi NSNN theo quy định của pháp luật. Do đó, các văn bản quy định tỷ lệ để lại một phần số lệ phí thu được phải được sửa đổi hoặc thay thế để bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng Đề án thu lệ phí và dự thảo các thông tư thu lệ phí cần ban hành, sửa đổi, bổ sung gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/7/2016 (đối với các khoản lệ phí thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp ban hành văn bản thu lật phí (đối với lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND), đảm bảo hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Riêng đối với các trường hợp tổ chức thu nộp toàn bộ số tiền thu được vào NSNN, để đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí hoạt động của tổ chức thu và căn cứ vào dự kiến số thu phí, lệ phí trong năm, tổ chức thu cần sớm xây dựng dự toán chi phí cần thiết cho việc thu phí, lệ phí để tổng hợp vào dự toán hàng năm của bộ, ngành, địa phương (tháng 7 - 8/2016) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cũng tại văn bản này, trên cơ sở rà soát các văn bản quy định về phí, lệ phí, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổng hợp gửi về Bộ Tài chính trước ngày 29/2/2015 để Bộ Tài chính có cơ sở cùng phối hợp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành tổng hợp theo Mẫu biểu số 2 (đính kèm). Đồng thời trên cơ sở rà soát, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo UBND trình HĐND cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật phí và lệ phí.
Đối với các loại phí chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất thẩm quyền định giá để Bộ Tài chính tổng hợp, trình Chính phủ quy định./.
Hoàng Lâm