【ket qua cup quoc gia】Chưa có đột phá về tiết giảm chi phí
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong văn bản số 2191/VPCP-KTTH ngày 21-3-2013, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phải xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí quản lý năm 2013 theo hướng tối thiểu bằng và cao hơn so với thực hiện năm 2012. Đây được coi là một tiêu chí để xem xét việc hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng thành viên, Ban điều hành DN năm 2013.
Vẫn “trông” vào hành chính, quản lý
Ông Nguyễn Thiện Toàn, Tổng giám đốc TCT Chè Việt Nam (Vinatea) cho biết: Trong năm 2013, Vinatea đặt ra mục tiêu tiết giảm từ 5-7% trong tổng số chi phí. Như vậy, mục tiêu tiết giảm năm nay của Vinatea giảm so với mức 10-12% của năm 2012. Theo lý giải của ông Toàn thì Vinatea đã thực hiện tiết giảm liên tục trong nhiều năm qua, bởi vậy không thể đặt ra mục tiêu tiết giảm năm sau cao hơn năm trước nữa.
Và năm nay cũng như năm trước, Vinatea triển khai tiết giảm chủ yếu ở chi phí quản lý, thủ tục hành chính, lễ tân, khánh tiết… Có khác là, Vinatea đi vào từng nội dung chi tiết. Như tiết kiệm chi phí văn phòng phải từ những thứ nhỏ nhặt, đơn giản như giấy, bút, điện thắp sáng, sử dụng điều hòa, sử dụng xăng xe, công tác phí...
Điểm khác biệt lớn trong kế hoạch tiết giảm của Vinatea năm 2013 so với các năm trước là không thực hiện tiết giảm về nhân sự. Theo ông Toàn, nhân sự của Vinatea đã được tinh giản tới mức tối đa. Hiện, TCT còn đang phải đầu tư củng cố, đào tạo thêm người lao động có tay nghề cao phục vụ cho phát triển DN.
Việc tiết giảm chủ yếu trông vào chi phí văn phòng, hành chính không chỉ là lựa chọn của Vinatea mà cũng là biện pháp chủ yếu của nhiều DN khác như: TCT Giấy Việt Nam (Vinapaco), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), TCT Cà phê Việt Nam (Vinacafe)…
Ông Nguyễn Nam Hải-Tổng Giám đốc Vinacafe cho biết: Năm 2013, đơn vị đã ban hành nhiều quy định nội bộ nhằm thực hành chống lãng phí rất rõ ràng và yêu cầu mỗi nhân viên nghiêm chỉnh tuân thủ. Đó là quy chế chi tiêu nội bộ; quy định về thanh toán, tạm ứng; quy định về khoản chi văn phòng phẩm, điện, nước; quy định về quản lý ngày, giờ công lao động; quy định về chế độ đi công tác, xăng xe, chế độ hội, họp…
Cụ thể hơn, Vinacafe đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nội bộ trong việc tiếp nhận, xử lý cũng như gửi văn bản đi. Trong chi phí văn phòng, Vinacafe thực hiện chế độ khoán, chỉ sử dụng văn phòng phẩm, điện nước, điện thoại, giấy in và photo… ở mức độ nhất định theo hướng tiết kiệm tối đa. Chi phí xăng xe, hội họp… cũng được giảm ở mức cao nhất.
Kiểm soát sát sao
Do đã triển khai tiết giảm trong nhiều năm lại chỉ “trông” vào chi phí quản lý, văn phòng nên năm nay để có thể vẫn tiết giảm được, các DN cũng đặt ra nhiều cách thức riêng. Đối với Vinatea, đó là việc tăng cường chỉ đạo hoạt động tiết giảm chi tiết, sát sao tới từng đơn vị trực thuộc.
Ông Nguyễn Thiện Toàn cho biết: Trước khi đặt ra kế hoạch chung, từng phòng, ban, trong toàn thể các đơn vị trực thuộc Vinatea đều phải tự xây dựng kế hoạch tiết giảm cụ thể, chi tiết của đơn vị mình. Ví dụ như, đơn vị đảm bảo nguồn nguyên liệu thì phải chỉ rõ ra trong quá trình trồng, chăm sóc cây chè, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào cho hiệu quả, áp dụng chế độ thu hái ra sao để loại bớt sản phẩm phế phẩm…
Các đơn vị chế biến chè thì cần đưa ra các biện pháp để cải tiến máy móc, thiết bị sao cho tận dụng được tối đa công suất, nhiệt lượng… cũng như phối hợp với việc tăng năng suất lao động. Theo ông Toàn, Vinatea không chỉ đạo vĩ mô tầm xa mà sát sao tới từng đơn vị, từng đội sản xuất một. Trong quá trình các cơ sở thực hiện tiết giảm, Vinatea sẽ cử đại diện xuống giám sát. Trong quá trình đó, vừa kiểm tra, xem xét, vừa có sự khuyến cáo, góp ý kịp thời. Ví dụ như cái nào tiết kiệm thì có lợi và cái nào thì không, nội dung nào nên mở rộng và nội dung nào nên hạn chế…
Không chỉ kiểm soát sát sao tới từng bộ phận như Vinatea, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra cũng là cách là Vinacafe cùng một số DN lựa chọn. Ông Nam Hải cho biết: Trong năm 2013, TCT sẽ thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra tới từng đơn vị. Các cuộc thanh tra, kiểm tra này chủ yếu tập trung vào quản lý, sử dụng đất đai; công tác khoán, quản sản phẩm vườn cây; hành chính, việc chấp hành thực hiện các văn bản pháp luật…
Kiểm tra để nắm tình hình xem việc thực hành tiết kiệm trong các lĩnh vực được triển khai như thế nào, đâu là điểm đạt và đâu là chỗ còn cần khắc phục. Song song với đó, ông Nam Hải cũng khẳng định: Với trách nhiệm là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Vinacafe cũng sẽ thường xuyên đôn đốc, yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thành viên trực thuộc thực hiện và báo cáo kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng quý, 6 tháng và cả năm. Nếu phát hiện các hành vi gây lãng phí còn tồn tại, Vinacafe sẽ có biện pháp kiểm điểm nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị thành viên.
Có thể thấy rằng, tuy xây dựng đặt mục tiêu và triển khai các kế hoạch tiết giảm trong năm 2013, nhưng nhiều DN vẫn đặt nặng nội dung tiết giảm chi phí hành chính quản lý mà chưa có “đột phá” mang tới hiệu quả cao như: Tiết giảm ở khâu đầu tư dây chuyền sản xuất, cải tiến kỹ thuật, năng suất lao động…
Khi trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc Vinatea, ông Nguyễn Thiện Toàn cho rằng: Vinatea cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc cải tiến máy móc, thiết bị để giảm tải sử dụng năng lượng. Đơn cử như việc sử dụng than thế nào cho tiết kiệm, giảm hao hụt trong quá trình chế biến… Nhưng đó chỉ là một phần việc nhỏ mà DN “tính” đến. Trong khi thực tế việc cải tiến dần công nghệ, lựa chọn đầu tư hợp lý, hiệu quả là bài toán tiết giảm mang lại hiệu quả cao chưa được nhiều DN áp dụng.
Thanh Nguyễn