Người dân Philippines chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ xảy ra tại một khu chợ đêm đông đúc ngay giữa trung tâm thành phố Davao hôm thứ sáu tuần trước thì sau đó một ngày (hôm 3-9),osasuna – betis tiếp tục xảy ra 2 vụ nổ khác nhau ở phía Nam và Bắc tỉnh Cotabato làm hư hại một cột điện cao thế và nhà của một phó thị trưởng. An ninh ở Philippines đang hứng chịu những “cơn bão” bất ổn trong cuộc chiến chống ma túy giờ thêm cuộc chiến chống khủng bố.
Thi thể nạn nhân thiệt mạng sau vụ đánh bom nghiêm trọng ở Davao, Philippines hôm 2-9. Nguồn: RAPPLER
Hiện cũng chưa biết chính xác nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ nổ hôm 2-9 tại chợ đêm ở TP.Davao, làm chết 14 người và bị thương 67 người, trong đó có 15 người trong tình trạng nguy kịch. Có những báo cáo cho hay phát ngôn viên của Abu Sayyaf đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công này. Kênh truyền hình ABS-CNB Philippines cùng ngày dẫn lời người phát ngôn của nhóm phiến quân Abu Sayyaf cho biết, vụ đánh bom nhằm mục đích kêu gọi sự “đoàn kết và thống nhất” của tất cả các chiến binh thánh chiến trên toàn lãnh thổ Philippines, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện thêm nhiều cuộc tấn công khác trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng có thông tin cho rằng do các băng đảng ma túy hoặc nhóm phiến quân Daulat Ul Islamiya mới đứng đằng sau vụ việc “họ làm điều đó để bày tỏ sự cảm thông với nhóm của chúng tôi và chúng tôi đang gửi một thông điệp đến Tổng thống Rodrigo Duterte rằng tất cả các phiến quân trên nước này không sợ ông ta”.
Tổng thống Philippines từng thừa nhận Abu Sayyaf và các nhóm cực đoan khác là “sản phẩm của sự bất công lịch sử” nhưng những hành động gần đây của họ, như chặt đầu các nạn nhân bị bắt cóc và đánh bom, đòi hỏi sự trả đũa bằng vũ lực. “Không có lựa chọn nào khác. Bọn chúng giống như vi trùng cần phải bị diệt trừ”, ông Duterte nhấn mạnh. Quân đội đã điều gần 10.000 quân tới tỉnh Sulu trong nỗ lực chống lại Abu Sayyaf. Kể từ ngày 26-8, quân đội cho biết đã giết chết 30 phần tử nhóm này tại đó. Giới chức trách cho biết Abu Sayyaf có thể đã thực hiện vụ tấn công hôm 2-9 để đáp trả chiến dịch quân sự nói trên.
Có thể thấy, từ ngày nhậm chức (tháng 5 năm nay), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa có được ngày bình yên. Trước hết, đó là chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy mạnh mẽ. Tính từ ngày 1-7 đến 21-8, đã có 712 nghi phạm ma túy bị tiêu diệt trong các chiến dịch truy quét của cảnh sát. Ngoài ra, có thêm 1.067 cái chết “đáng ngờ” được ghi nhận và Cảnh sát quốc gia Philippines (PNP) đang điều tra những trường hợp này. Như vậy, chỉ trong vòng 7 tuần từ khi ông Rodrigo Duterte lên nhậm chức tổng thống và phát động cuộc chiến chống ma túy quy mô lớn, đã có gần 1.800 người thiệt mạng. Cuộc chiến này đang gây tranh cãi dữ dội trong lẫn ngoài nước về nhân quyền và pháp quyền. Trên khắp đất nước Philippines hiện nay, danh sách các nghi phạm ma túy đang được những trưởng thôn, trưởng xóm chuyển cho cảnh sát. Điều này làm dấy lên cảm giác nghi ngờ và sợ hãi tại các cộng đồng dân cư.
Cuộc chiến chống ma túy và chống các nhóm cực đoan đã khiến ông Duterte có kẻ thù ở khắp mọi nơi, đồng thời làm xuất hiện tin đồn về âm mưu ám sát nhằm vào ông. Bất chấp điều này, ông Duterte vẫn tuyên bố tiếp tục quan điểm cứng rắn đối với tội phạm ma túy và các nhóm cực đoan. Tuy nhiên, dường như chính phủ Philippines đang rất lúng túng trong biện pháp thực hiện. Tổng thống Philippines ngày 3-9 đã ban bố tình trạng “vô pháp luật” trên toàn quốc sau vụ nổ tại chợ đêm ở thành phố Davao. Theo đó, cảnh sát và quân đội sẽ được trao quyền tổ chức các cuộc truy lùng “theo sự điều phối của chính phủ”. Trong bối cảnh khác, Tổng thống Duterte cũng cho biết sẵn sàng thuê giang hồ và lính đánh thuê để tiêu diệt nhóm khủng bố Abu Sayyaf (!).
Có vẻ như chính phủ Philippines ngày càng lún sâu vào các cuộc chiến trong nước, nên bị chi phối tâm sức cho việc đối ngoại và vực dậy nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn này. Những con số thống kê mới đây nhất về Philippines cho thấy không mấy sáng sủa: 25% dân số nước này đang sống dưới mức nghèo khó - một thực tế gần như không mấy thay đổi trong suốt 2 thập kỷ qua. Đó cũng là lý do mà nhiều người vẫn lo ngại rằng việc ông Duterte làm tổng thống cũng tương tự với việc chính thể Philippines quay trở lại với chế độ độc tài và sẽ phá hỏng nền dân chủ Philippines, cũng như sẽ phung phí các thành quả kinh tế đạt được trong 6 năm qua khi Philippines là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất châu Á với 6,2%.
NGUYỄN TẤN tổng hợp