Khai thác giá trị cao nhất
Ngay cả trong ngành chế biến gỗ, ít người biết rằng, nội thất trang bị cho phòng First Class của hãng hàng không hạng sang thế giới Emirates được làm bởi các DN Việt Nam. Cả công trình khách sạn 5 sao Park Hyatt st Kitts and Nevis sang trọng bậc nhất thuộc vùng biển Caribbean cũng đã thực hiện hoàn toàn với 70 công nhân Việt Nam được đưa sang đây, đạt doanh thu hơn 16 triệu USD, tương đương doanh số một năm sản xuất đồ gỗ XK của một DN có 700 người. Thậm chí, nội thất của khách sạn 6 sao Rosewood Phnom Penh Hotel (Campuchia) và nhiều công trình đẳng cấp tại nhiều nơi trên thế giới, từ Mỹ, Nhật, Dubai, Singapore, Myanmar, Lào… đều mang dấu ấn của người Việt Nam. Những công trình, những sản phẩm gỗ Việt đang được thế giới đón nhận một cách nồng nhiệt bởi chất lượng, độ tinh tế cao và được sử dụng từ nguyên liệu hợp pháp…
Quay về trong nước, những công trình lớn như Gem Center, Park Hyatt Sài Gòn và nhiều khách sạn 5 sao khác cũng đều có sự đóng góp của các DN trong ngành gỗ bản địa. Điều đó cho thấy, người Việt Nam đã khai thác giá trị cao nhất của ngành chế biến gỗ là xuất bán cả không gian nội thất 5 sao chứ không đơn thuần chỉ gia công sản xuất hay bán sản phẩm.
Tuy nhiên, rất ít DN gỗ Việt Nam có thể thi công được những công trình lớn như vậy và cũng không nhiều DN có thương hiệu lớn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Trong 4.500 DN đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến gỗ, số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (vốn điều lệ dưới 50 tỷ đồng) chiếm tới trên 90%. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, ngành gỗ cần chú trọng xây dựng thương hiệu. Xây dựng được thương hiệu sẽ giúp ngành gỗ thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế và đạt được những bước tiến nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA khẳng định, với rất nhiều lợi thế, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu quốc gia. Theo đó, nội lực của DN chế biến gỗ Việt Nam đã và đang được cải thiện rất lớn trong thời gian vừa qua. Các DN đang có sự thay đổi tư duy quản lý sản xuất lớn theo mô hình chuyên nghiệp dây chuyền, DN đầu tư công nghệ khá nhanh theo hướng nâng cao năng suất giảm bớt thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, nguồn nhân lao động dồi dào với tay nghề khéo léo cũng là một lợi thế lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Ngành gỗ cũng may mắn có được nguồn nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng để sản xuất đồ nội thất XK. Lợi thế này giúp ngành gỗ liên tục xuất siêu ở mức cao trên 70%. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới. Ngành gỗ Việt Nam cũng chỉ mới sử dụng khoảng 30-40% nội lực, còn rất nhiều nguồn lực chưa được khai thác như hiệu quả đầu tư công nghệ, nâng tầm quản trị, đầu tư thiết kế, phân phối thương mại, xây dựng thương hiệu… tất cả những gì chưa làm đều có thể là cơ hội cho DN khi phát triển.
Trong khi đó, xét về yếu tố thị trường, rõ ràng, nhà cửa, trang trí nội ngoại thất là nhu cầu thiết yếu của con người. Đây là ngành kinh tế tiêu dùng có thị trường mãi mãi vì nhu cầu sử dụng đồ nội, ngoại thất không bao giờ dừng lại. Vấn đề quan trọng, là làm thế nào để xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành gỗ, để mỗi khi nhắc đến Việt Nam, thế giới sẽ kèm theo cụm từ “trung tâm sản xuất đồ gỗ”, để ngành chế biến gỗ có thị trường bền vững và lợi nhuận tốt cho quốc gia, cho ngành, cho người lao động.
“DN đã sẵn sàng, nhưng vẫn cần thêm sự hỗ trợ gián tiếp của Nhà nước về phát triển vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc, nhân lực... để ngành gỗ có thể vươn xa” – ông Khanh nói.
Bên cạnh đó, Nhà nước, các cơ quan ban ngành cần khuyến khích, giúp các DN gỗ xây dựng thương hiệu theo các chương trình của Bộ Công Thương. Từng thương hiệu của từng DN sẽ là điểm sáng để tập hợp, vẽ nên bức tranh cho cả ngành chế biến gỗ Việt Nam. Để tạo động lực cho việc này, các hiệp hội cần phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan để thường xuyên bầu chọn thương hiệu đồ gỗ uy tín trong năm. Ngoài ra, ngành gỗ cũng cần có môi trường thương mại thuận lợi. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm…
“Ngành gỗ cần sự đồng hành của nhà nước để đi những bước dài. Tôi tin rằng vị thế ngành gỗ Việt Nam trong tương lai không xa, không chỉ dừng ở thứ 2 châu Á mà sẽ là thứ 2 trên trên thế giới với doanh số xuất khẩu gấp 3 lần hiện nay” – ông Khanh khẳng định.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA: Trong những năm gần đây, các cường quốc sản xuất đồ gỗ như Trung Quốc đã bị suy giảm do chi phí nhân công tăng và nhà nước bắt đầu đánh thuế xuất khẩu. Mặt khác Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại Mỹ làm cho đồ nội thất của nước này giảm sức cạnh tranh, tỷ lệ xuất khẩu trong 2 năm qua đã giảm. Các nước Đức, Ý do kinh tế châu Âu suy thoái cũng đang giảm sản xuất vì chi phí đầu vào tăng, sức cạnh tranh giảm… Malaysia mặc dù có chiến lược rõ ràng nhưng bị hạn chế về sự thiếu hụt lao động. Nhu cầu thị trường đồ nội thất trên thế giới tăng không ngừng. Sản xuất đồ nội thất là thế mạnh của Việt Nam, là nghề truyền thống, là động lực phát triển nông thôn thông qua kinh tế lâm nghiệp. Chúng ta nên nắm bắt cơ hội này để phát triển ngành. Nếu bỏ lỡ, các nước láng giềng như Indonesia và Malaysia, có thể sẽ vượt qua Việt Nam để giành lấy thị trường và ngôi quán quân trong ASEAN. Lúc ấy chúng ta chỉ còn khoanh tay ngồi nhìn trong tiếc nuối. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Chế biến Lâm sản (Viforest): Việt Nam hiện có gần 11 triệu ha rừng tự nhiên, trong đó có 4 triệu ha được quy hoạch là rừng sản xuất, hầu hết là rừng thứ sinh nghèo, thậm chí nghèo kiệt. Diện tích rừng tự nhiên được coi là rừng sản xuất này coi như bị bỏ hoang hóa, rất lãng phí và rất khó quản lý, ngân sách Nhà nước cho bảo vệ rừng thì rất hạn hẹp. Vậy tạo sao chúng ta không có cơ chế huy động vốn đầu tư tư nhân cho quản lý bền vững phần tài nguyên vừa là tài sản và cũng là nguyên liệu sản xuất quý giá này. Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua có điều khoản về cho thuê rừng và môi trường rừng để kinh doanh lâm sản và dịch vụ sinh thái rừng. Do đó, Viforest kiến nghị Chính phủ mạnh dạn thí điểm giao một phần diện tích rừng tự nhiên cho các DN tư nhân quản lý theo hình thức đặc nhượng rừng như các nước Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác đang làm và đã có những thành công nhất định. Chúng ta có thể xem xét cho người nước ngoài thuê đất lâu dài thì tại sao lại không thể cho phép doanh nhân Việt Nam thuê rừng tự nhiên được quy hoạch cho mục tiêu sản xuất gỗ một cách lâu dài để phát huy chức năng sản xuất lâm sản của loại rừng này. Nếu thành công theo hướng này, và nếu mỗi năm chỉ cần khai thác 1 m3 gỗ từ mỗi ha rừng thì cả nước sẽ có 4 triệu m3 gỗ đáp ứng yêu cầu ưa chuộng đồ gỗ từ rừng tự nhiên của thị trường nội địa và một phần cho chế biến xuất khẩu sang các thị trường châu Á. Bởi theo lý thuyết, rừng tự nhiên dù là rừng nghèo cũng có thể cho tăng trưởng 2 m3 gỗ/ha/năm nếu được điều chế bài bản. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Năm 2017, TP.HCM đã đóng góp 1 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD của ngành chế biến gỗ và lâm sản. Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung 5 nhóm giải pháp để phát triển ngành chế biến gỗ. Theo đó, thành phố sẽ tạo sự liên kết giữa hiệp hội - DN - chính quyền, lắng nghe tiếng nói DN để tạo ra những cải cách mới, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và DN. Bên cạnh đó, là việc giải quyết những hạn chế trong bán lẻ như tính chuyên nghiệp chưa cao, dịch vụ hậu mãi chưa tốt. Thành phố cũng khuyến khích DN chế biến gỗ hợp tác đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Góp phần thực thi lâm luật, xem xét vấn đề gỗ hợp pháp. Đặc biệt, thành phố sẽ thực hiện triệt để cải cách hành chính, nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu đồ gỗ. |