Cần triệt tiêu xung đột giữa các luật liên quan bất động sản | |
Quy Nhơn cần các bất động sản nghỉ dưỡng đẳng cấp để trở thành điểm đến mới của châu Á | |
Giải bài toán phát triển bền vững thị trường bất động sản | |
Điều kiện mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/3/2022 |
Sẽ có sự đổ bộ của hàng loạt DN địa ốc tên tuổi
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã trở thành điểm sáng trong đầu tư, đáp ứng nguồn cầu về cơ sở du lịch.
Thời gian qua, thị trường BĐS nghỉ dưỡng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh khiến du lịch ngưng trệ, tuy nhiên, trong bối cảnh “bình thường mới”, nhu cầu về nghỉ dưỡng đã được khởi động, tác động tích cực đến thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, năm 2022 thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ ghi nhận nhiều xung lực cho sự hồi phục và phát triển.
Theo đó, khu vực Duyên hải Bắc Bộ sẽ là điểm sáng nổi bật bởi sở hữu nhiều lợi thế, là khu vực có toạ độ tăng trưởng cực kỳ lớn, do đó, khu vực này sẽ chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt DN địa ốc tên tuổi với các dự án đồ sộ, bài bản được đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, chính sách cởi mở về du lịch đang dần mang lại sức sống mới cho ngành du lịch.
Chỉ trong tháng 3/2022, đã có khoảng 15 nghìn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nâng số khách du lịch đến trong quý 1 lên mức trên 22 nghìn người.
BĐS du lịch nghỉ dưỡng đã mau chóng đón đầu làn sóng du lịch hậu Covid, đối với cả khách trong và ngoài nước. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá BĐS du lịch Việt Nam có tiềm năng với tỷ suất lợi nhuận lên tới 35%. Tỷ lệ lấp đầy tại các khách sạn, resort sở hữu cảnh quan đẹp như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã tương đối cao. Các tour du lịch hiện tại đều phải đặt trước để có được hành trình, nơi cư trú phù hợp.
Đại diện Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, BĐS du lịch nghỉ dưỡng năm 2022 được dự báo sẽ phụ thuộc vào những địa điểm mới, có tiềm năng về du lịch và BĐS, đặc biệt là những khu vực chưa được chú ý nhiều nhưng lại đang nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, chính sách đầu tư cũng như tổng quy hoạch của địa phương.
Với những đánh giá như vậy, vùng duyên hải Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng đang có những lợi thế đáng kể, cả về cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng lẫn các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
Đơn cử, Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong mảng BĐS du lịch nghỉ dưỡng với gần 17.200 sản phẩm. Với các tuyến đường cao tốc, du khách chỉ cần chưa đến 2 tiếng để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh.
Cần tiếp tục hình thành những khu du lịch có quy mô lớn
Theo đánh giá của chuyên gia, Quảng Ninh vẫn còn dư địa để phát triển ngành du lịch cũng như mảng BĐS du lịch trong tương lai gần, bởi đây là vũng trũng đầu tư hấp dẫn nhất, có tỷ lệ DN lớn tham gia phát triển BĐS nghỉ dưỡng nhiều, về tổ hợp du lịch đa năng là địa phương đi dầu, đặc biệt du lịch cao cấp.
Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, song các chuyên gia cũng chỉ ra các hạn chế của khu vực này là du lịch mới có 1 mùa, chưa thu hút được khách tới du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh văn hoá.
Cùng với đó, nguồn cung sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng tại khu vực này chưa nhiều. Ngoài những chủ đầu tư có tiềm lực kinh tế thì vẫn chưa có các sản phẩm của những chủ đầu tư khác, điều này sẽ hạn chế phần nào sự lựa chọn của khách hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS nghỉ dưỡng cũng vướng điểm nghẽn chính sách, pháp luật về kinh doanh BĐS.
Ông Phạm Trung Hiếu, Tổng giám đốc sàn giao dịch BĐS Four Home cho rằng, để BĐS du lịch nghỉ dưỡng Quảng Ninh nói riêng, duyên hải Bắc bộ nói chung phát triển, cần tiếp tục hình thành những khu du lịch có quy mô lớn, đa dạng tiện ích, kết hợp được nhiều hoạt động, nhiều mục đích như: vui chơi, nghỉ dưỡng, giải trí, mua sắm, trải nghiệm, hội họp, gặp mặt…
Cùng với đó, cần tăng cường các hoạt động ban đêm - hoạt động mà nhiều du khách có hứng thú lựa chọn bởi hiện tại, các khu vực vui chơi, nghỉ dưỡng ở Quảng Ninh, Hải Phòng chủ yếu là các dịch vụ ban ngày.
Theo ông Phạm Trung Hiếu, cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tính đa dạng và chất lượng dịch vụ của các dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả khai thác kinh doanh.