Năm 2011, Lê Ngọc Ánh tốt nghiệp trường Cao đẳng Đường sắt và được phân công về làm việc tại Trạm tiếp viên Đường sắt Hà Nội (thuộc Chi nhánh Đoàn tiếp viên Đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội).
Những ngày đầu mới vào nghề tiếp viên, dù đã qua trường lớp đào tạo, nhưng Ngọc Ánh vẫn phải mất một thời gian mới quen được lịch trình làm việc của tổ tàu. Mỗi hành trình của đoàn tàu SE1 từ Bắc vào Nam rồi lại trở ra Bắc mất 4 - 5 ngày. Sau đó, Ánh được nghỉ 4-5 ngày ở nhà. Những đợt cao điểm khi toàn ngành bước vào chiến dịch hè, chiến dịch Tết thì thời gian Ánh được ở nhà ít hơn.
Ba lần vợ đẻ mổ, 2 lần chồng vắng mặt
Hơn 10 năm trong ngành, Ánh gần như đều ăn Tết trên tàu, chỉ 1 năm được trọn vẹn ở nhà đón Tết cùng gia đình. "Có khi vừa về nhà được hôm trước, hôm sau lại lên đường nhận nhiệm vụ mới luôn. Hên xui thì được về nhà đón giao thừa, còn đa số phải đi làm xuyên Tết", Ánh kể.
Ngày mới cưới, hai vợ chồng 9X thường xuyên xảy ra xung đột. Nguyên nhân cũng chỉ vì đặc thù công việc của Ánh cứ đi 4-5 ngày mới về 1 lần. Ngày thường, khi anh được ở nhà thì vợ con vẫn phải đi làm, đi học. Đến ngày lễ, Tết vợ con muốn gia đình sum họp, anh lại phải tham gia tăng cường phục vụ các chiến dịch của ngành.
Các cụ xưa thường nói "cửa sinh là cửa tử". Ba lần vợ Ánh sinh con đều phải sinh mổ, vậy nhưng chỉ có bé thứ 2 là đúng dịp 9X đang ở nhà nên anh mới ở bên cạnh động viên vợ vượt cạn. Ngày con đầu lòng chào đời, Ánh đang chuẩn bị theo tàu vào Nam. Nhận được tin vợ chuyển dạ, anh vội vàng báo cáo xin nghỉ và quay về quê luôn.
"Em về tới nơi thì vợ sinh được 2 tiếng rồi. Vợ em tủi thân nhiều lắm vì đẻ mổ mà em không có ở bên cạnh lúc đó. Lần sinh con thứ 3 cũng vậy, khi đó em đang đi làm chiến dịch hè thì nhận được tin ông bà ở nhà đưa vợ đi đẻ.
Em lo lắng lắm chứ, vợ sinh mổ mà. Thế nhưng ngành nghề của bọn em đặc thù là như vậy, ai cũng vậy thôi nên đều được gia đình hiểu và thông cảm", Ánh chia sẻ.
"Nhặt" được bé sơ sinh bị bỏ rơi
Ngày đầu xuân Quý Mão, Ánh cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ làm tiếp viên trên chuyến tàu SE1 chở rất đông hành khách. Sáng sớm 31/01/2023, (mùng 10 Tết), khi tàu đến ga Biên Hòa, như thường lệ Ánh làm nhiệm vụ đón tiếp khách lên toa tàu số 06 của mình.
“Hôm ấy rét, bên ngoài trời vẫn còn tối. Khi tàu mở cửa chuẩn bị đón khách lên, nhìn thấy bao tải để trên bậc lên xuống của toa tàu, tưởng là rác em định nhặt vứt đi. Khi vừa chạm vào, em giật mình vì nghe tiếng trẻ con khóc.
Vừa sợ vừa run, em mở lớp bao tải bọc bên ngoài ra nhìn thấy một bé gái sơ sinh, còn nguyên dây rốn, mặt đã tím tái được cuốn trong lớp chăn mỏng", Ánh nhớ lại.
Ánh vội vàng bế cháu bé quay lại toa tàu, lấy chăn ga cuốn ủ ấm cho cháu và thông báo cho trưởng tàu. Ngay lập tức, tàu phát loa thông báo tìm người nhà của cháu bé nhưng không có ai nhận.
Theo Ánh suy đoán, cháu bé được người thân đặt bên ngoài toa xe từ nhà ga trước đó, vì tàu mở cửa 2 bên, nên ở ga trước không ai phát hiện ra. Rất may tàu chạy không quá nhanh nên khách nhí bất đắc dĩ bị đi "lậu vé" vẫn an toàn, chu du cùng đoàn tàu một quãng đường dài giữa tiết trời giá rét.
Ánh cùng các thành viên tổ tàu hỗ trợ cháu bé 1 triệu đồng và bàn giao cho ga Biên Hòa tiếp nhận.
Tiếp viên đường sắt yêu nghề
Trong những ngày làm việc trên tàu, giống các tiếp viên khác, Ánh được phân công phụ trách 1 toa tàu. Anh phải làm tất cả công việc để phục vụ hành khách, từ soát vé tới vệ sinh toa tàu; từ chăm lo việc ăn uống tới giấc ngủ của hành khách. Áp lực từ công việc làm dịch vụ phục vụ hành khách, giữ uy tín cho ngành khiến Ánh không dám lơ là.
Trên mỗi chuyến công tác, lần lượt các thành viên tổ tàu sẽ "được" phân công làm một công việc chuyên trách đặc biệt. Đó là giữ vệ sinh sạch sẽ cho cả đoàn tàu hơn 10 toa.
Trước đây, do ý thức người sử dụng cũng như điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, nhà vệ sinh trên các chuyến tàu đường sắt luôn là nỗi "ám ảnh" không chỉ với hành khách và còn với cả nhân viên nhà tàu.
"Ngày đó, cái mùi hóa chất nồng nặc kết hợp với mùi nhà vệ sinh thật sự rất ám ảnh. Em rất khó chịu, người cứ nôn nao buồn nôn. Làm xong không còn muốn ăn cơm", Ánh nhớ lại.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, các nhân viên vệ sinh chuyên trách cứ 2 tiếng phải đi dọn thật sạch thật sâu hàng chục nhà vệ sinh trên tàu. Cứ sau mỗi lần làm sạch nhà vệ sinh, tiếp viên phải chụp ảnh gửi về cho người quản lý để báo cáo. Trưởng tàu thường xuyên đi từng toa để kiểm tra chất lượng dịch vụ, vệ sinh.
Công việc "làm dâu trăm họ" đầy áp lực, nhưng thu nhập của những người làm nghề tiếp viên đường sắt như Ánh cũng không cao.
"Bình thường mỗi tháng em đi làm được 3-4 chuyến, mỗi chuyến được khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng tiền lương. Trừ các khoản phí, quỹ như BHYT, BHXH... thì thu nhập thực lĩnh bình quân mỗi tháng gần 6 triệu đồng", Ánh nói.
Công việc đầy áp lực và khó khăn, nhưng vì được thỏa mãn ước mơ thủa bé được làm việc trên tàu hỏa để được đi chu du nhiều nơi, nên Ánh vẫn quyết tâm bám trụ với nghề.
Có người từng nghĩ, nghề lái tàu, tiếp viên đường sắt là những công việc nhàn hạ, ổn định, lại được rong ruổi qua nhiều vùng đất. Thực tế, đó là những công việc vô cùng gian nan, vất vả và có không ít hiểm nguy. Tuy nhiên, như các nghề khác, nghề lái tàu hay làm tiếp viên đường sắt cũng có những nốt trầm, nốt thăng, có vui, có buồn, có nụ cười và cả những giọt nước mắt.
Trong quá trình thực hiện loạt bài về nghề lái tàu, nghề tiếp viên đường sắt này, phóng viên VietNamNet đã có những cuộc trò chuyện thân tình, đầy ý nghĩa với các nhân viên có thâm niên trong nghề. Từ những chia sẻ chân thực, thẳng thắn của những người lái tàu, tiếp viên đường sắt “lão luyện” ấy có thể thấy được phần nào bức tranh về công việc của họ với nhiều cung bậc cảm xúc.