Chồng em,ệncủnha cai so 1 41 tuổi. Lao động tự do. Mà thật ra thì chồng của em cũng không có nghề gì cố định, kiểu như cách mà người ta thường gọi là “thợ đụng”. Cứ lụm đà lụm đụm rứa mà kể từ khi hai đứa xách nhau trở về từ Sài Gòn, chồng em thành lao động chính để cùng em nuôi ba đứa con bé dại. Nhiều khi ngồi nghe chồng em kể chuyện làm chỗ ni chỗ tê, việc này việc nọ không kịp thở, tôi nghe cũng xon xót. Ờ thì ở nhà quê, mấy sào ruộng cũng chỉ đủ để khỏi mua gạo. Còn chuyện đường, chuyện sữa, chuyện đứa lớn vào lớp 2, đứa nhỡ vào mẫu giáo…”. Ui chao búa xua chị nờ. Chưa xong việc ni là đến việc nọ…”.
Mà ngó rứa thôi, chứ chồng em nói với vẻ mặt cũng không đến nỗi thương đau mô. Hình như cái cực hắn đeo nơi người lâu rồi, thành quen. Nên cứ rứa mà cắm cúi tìm việc. Không đi đào đất, trồng cây cho người ta thì lại đi phun thuốc, làm cỏ lúa, cuốc lại mảnh vườn dặm ba luống rau. Tối thì chạy vô Huế giữ công trình cho người ta. Có hôm tôi chờ mãi mới thấy em lúc tối muộn. Nhìn chồng em mà đâu dám nói điều gì khi thấy mặt mũi đã mệt mỏi, bơ phờ…
Em 32 tuổi. Em rời quê nhà từ sớm đi tìm việc giúp ba mạ khó nhọc nắng sương ở vùng đồi. Khi trở về làm dâu xứ ruộng, em cũng loay hoay để làm quen rồi với cỏ, với mạ, với các loại phân bón và với lúa. Nhưng cái em phải quen nhiều nhất, là làm mẹ. Có lẽ cũng không mấy khi kịp suy nghĩ sâu về điều gì sau một ngày chúi mũi với con và điều thèm nhất luôn là một giấc ngủ sâu, nên nói thiệt là em trẻ hơn tuổi của mình. Cười thì hiền chi lạ.
Em trở thành một phần của nhà tôi cũng tình cờ, khi tôi cần người giúp việc nhà và tới lui trò chuyện với má, khi thường ngày cả nhà hầu như vắng. Có lần em hỏi, chị giao nhà cho em rứa, có sợ mất mát gì không. Tôi đùa, nếu cần gì em cứ lấy, chứ chị thấy chả có gì đáng để mất.
Việc nhà, cũng không có mấy, cơ bản là ngoại của mấy đứa nhỏ không còn buồn nữa. Cơm em nấu không bằng mệ, nhưng ăn cũng ổn. Dần dần thì chị bé cũng sẽ quen gu của nhà mình thôi – tôi nói với hai đứa con nhưng cơ bản là để em không buồn vì các món chẳng vơi đi bao nhiêu. Phần cũng vì nhà tôi ăn ít – chỉ bằng một góc nhà em khi em vừa dọn chén, vừa trò chuyện.
Có hôm nghe em kể, từ tết đến giờ chưa về nhà thăm mạ. Tôi ái ngại nhưng rồi sau đó mấy ngày cũng thấy an tâm khi hai vợ chồng xin nghỉ để lên nhà giỗ ba của em. Biết mẹ em cũng vất vả với nghề lột vỏ tràm, xoay xở kiếm tiền nuôi đứa em trai đã lớn nhưng thần kinh không ổn định. Hôm nọ, em lấn bấn mãi rồi nói, chị cho em mượn vài trăm. Em lên cho mạ và mua chi cho đứa em. Hắn lại lên cơn và mạ em về nuôi dưới viện. Mà chị đừng nói chi với chồng em nghe. Chồng em cũng cực, lo mãi không đủ, giờ lại thêm nhà ngoại…
Sáng qua em xin về sớm để làm mâm kỵ bà o bên chồng. Nghe tôi hỏi, em nói ở quê, kỵ giỗ không như ở nhà chị mô. Cái chi cũng phải nhiều hết. Mấy hôm ni chồng em cũng ít việc vì người ta cũng ngại dịch bệnh cô-vít. “Mà kỵ nhiều lắm chị. Năm có đến hơn chục cái. Vợ chồng em xoàng luôn!”
Tôi đã tần ngần mãi khi ngó em chốt cổng và vội vã trở về. Biết khó nhọc còn đeo vợ chồng em dài lâu.
An Bình