Vai trò của vitamin K2 với sức khỏe tổng thể
Khác với vitamin D và canxi được nhiều người biết đến, vitamin K2 vẫn chưa thực sự phổ biến. Mặc dù vi chất này có những công dụng hữu ích với cơ thể như:
Thamgia qua trình tái cấu trúc hệ xương, ngăn ngừa loãng xương: xương có thể tự tái tạo theo hai cách: tạo hình xương và tái tạo xương.
Tạo hình xương xảy ra trong quá trình tăng trưởng và phát triển ở trẻ em. Nó liên quan đến việc hình thành xương bởi các tế bào tạo xương hoặc tái hấp thu xương bởi các tế bào hủy xương trên một bề mặt nhất định. Ngược lại, tái tạo xương xảy ra sau khi bộ xương đạt đến độ trưởng thành trong quá trình phát triển.
Vitamin K2 tham gia vào quá trình tạo xương, cân bằng quá trình tạo xương và hủy xương. Cụ thể, vitamin K2 giữ nhiệm vụ trong quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi - vi chất chính trong xương và răng của cơ thể. Để làm được điểu này, vitamin K2 hoạt hóa các protein Osteocalcin ở dạng bất động sang hoạt động và protein MGP giúp gắn kết canxi tới đúng xương và tăng trưởng xương tối đa.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả Đại học Maastricht, Hà Lan chứng minh rằng với trẻ em ở lứa tuổi tiền dậy thì, việc bổ sung vitamin K2-MK7 ở mức vừa phải làm tăng nồng độ MK-7 lưu thông và làm tăng quá trình carboxyl hóa osteocalcin. Từ đó giúp tăng mật độ xương và khối lượng xương.
Cải thiện sức khỏe răng miệng: bệnh nha chu phổ biến, gây nhiễm trùng nướu nghiêm trọng, làm tổn thương mô mềm và phá hủy xương xung quanh răng. Bệnh có liên quan đến sự mất cân bằng xương âm tính.
Với những tác động cụ thể của vitamin K2 lên tế bào hủy xương và trong quá trình tái tạo xương, vitamin K2 trở thành giải pháp có thể được sử dụng vào quá trình nâng cao sức khỏe răng miệng, trong đó có việc bảo vệ nha chu.
Ngoài ra, vitamin K2 hoạt động phối hợp với canxi và vitamin D được xem là có vai trò chống oxy hóa đáng kể. Do đó, vitamin K2 có thể giúp giảm tình trạng sâu răng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ.
Bảo vệ trái tim khỏe mạnh: theo nghiên cứu của Essa Hariri cùng các cộng sự được đăng tải trên Tạp chí y khoa Hoa Kỳ, vitamin K2 vai trò quan trọng trong sức khỏe tim mạch thông qua việc điều hòa cân bằng canxi. Tác dụng của vi chất này đối với hệ thống tim mạch thông qua việc hoạt hóa protein chống canxi lắng đọng tại thành mạch được gọi là protein ma trận GLA.
Ở dạng không hoạt động, protein này có liên quan đến nhiều dấu hiệu của bệnh tim mạch bao gồm tăng độ cứng động mạch, vôi hóa mạch máu và van tim, kháng insulin và chỉ số suy tim, cuối cùng làm tăng tỷ lệ tử vong do tim mạch.
Việc bổ sung vitamin K2 có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch thông qua việc điều chỉnh vôi hóa toàn thân và độ cứng động mạch.
Vitamin K2 có phải là vitamin K1 không?
Vitamin K được phát hiện và phân lập lần đầu tiên vào những năm 1930 bởi nhà khoa học người Đan Mạch Henrik Dam. Ban đầu, ông nghiên cứu về cholesterol ở gà và tình cờ phát hiện ra một hợp chất mới có khả năng đông máu, mà sau này được đặt tên là vitamin K (xuất phát từ "Koagulation" trong tiếng Đức).
Tuy nhiên, phải đến những năm 1970, các nhà khoa học mới phát hiện ra rằng vitamin K có 2 dạng là K1 và K2, với cấu trúc và chức năng khác biệt. Trong khi vitamin K1 chủ yếu liên quan đến quá trình đông máu, thì vitamin K2 đóng vai trò quan trọng đối với việc điều chỉnh canxi trong cơ thể.
Vitamin K được chia thành 2 nhóm:
Vitamin K1 (Phylloquinone): có mặt trong các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như rau lá xanh.
Vitamin K2 (Menaquinone): phổ biến trong các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm lên men như: đậu tương natto, sữa chua, phomai...
Trong vitamin K2 lại chia thành nhiều nhóm khác nhau, trong đó quan trọng nhất là MK-4 và MK-7.
Một số nghiên cứu của Agnieszka Koziol-Kozakowska và Katarzyna Maresz, vai trò của vitamin K1 và K2 là khác nhau nên cần được tách riêng thành 2 chất dinh dưỡng thay vì gộp chung thành vitamin K. Nghiên cứu lâm sàng trên người cũng thấy rằng bổ sung vitamin K2 nhìn chung có thể cải thiện đáng kể sức khỏe xương và tim mạch, trong khi bổ sung vitamin K1 hầu như không đem lại lợi ích đáng kể.
Như vậy, bổ sung vitamin K2 không chỉ hỗ trợ sự phát triển và duy trì hệ xương chắc khỏe mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể, bao gồm hệ tim mạch, răng miệng và thậm chí cả chức năng miễn dịch. Đây là yếu tố cần thiết trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày để bảo vệ sức khỏe toàn diện.