Gác lại nỗi buồn, nợ nần cùng những lo toan, một vụ mùa mới bắt đầu, nông dân huyện Trần Văn Thời lại tất bật với công việc đồng áng. Một số nông dân tạm rời xa chốn vùng quê yên bình lên thành thị mưu sinh cũng đã quay về quê hương. Ðây cũng là lúc nguồn vốn hỗ trợ thiệt hại lúa của Nhà nước đã đến tận tay hộ nông dân trong niềm vui, xúc động, sau mấy tháng dài chờ đợi.
Số tiền 2,8 triệu đồng được trao cách đây đúng nửa tháng, anh Nguyễn Quốc Luận (ấp Nhà Máy A, xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời) vẫn còn giữ gìn nguyên vẹn, kỹ lưỡng trong tủ, để dành mua phân, thuốc chăm sóc cho vụ lúa hè thu này. Không giấu được niềm vui, anh Luận hồ hởi khoe: “Số tiền tuy có vài triệu đồng nhưng có giá trị rất lớn vào lúc này, giúp gia đình tháo gỡ khó khăn. Mấy năm trước, lúa nhà tôi cũng bị thiệt hại trắng vài lần nhưng không được hỗ trợ nên lần này được nhận số tiền, tôi mừng lắm”.
Bà con nông dân Ấp 3, xã Trần Hợi xuống giống vụ lúa mới. Ảnh: VŨ TRÂN |
Cũng như hàng ngàn bà con trong vùng, lúa vụ 2 rồi gia đình anh Luận bị thiệt hại 50% do cơn đại hạn năm 2015-2016. Ðồng ruộng thiếu nước trầm trọng, nắng gay gắt, lúa không trổ được, bao nhiêu phương pháp để cứu lúa anh Luận đều thử qua, nhưng mỗi ngày trôi qua hy vọng cứu lúa của anh Luận càng mong manh. Mấy tháng ròng cực khổ chăm sóc, cuối cùng thành quả là còn mấy bao lúa, tiết kiệm lắm mới trụ nổi đến khi vụ mùa mới thu hoạch. Những năm trước, 1 công ruộng anh Luận thu hoạch gần 1 tấn lúa, nhưng vụ lúa rồi mỗi công chỉ thu hoạch được 8 bao lúa. Anh Luận vẫn còn may mắn hơn nhiều bà con trong vùng, vì 20 công ruộng sau khi thu hoạch vẫn còn chút vốn để trả tiền cho đại lý phân, thuốc, công cày, gặt…
Không chỉ riêng nông dân vùng ngọt hoá, mà những ngày qua đi đến các địa phương thuộc vùng chuyển dịch của huyện Trần Văn Thời, đâu đâu cũng nghe bà con cười nói, trò chuyện rôm rả khi nhận được số tiền hỗ trợ thiệt hại lúa và bàn tính cho sản xuất vụ mùa mới.
Bên ly trà nóng, ông Hồ Thanh Hồng, ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, cho biết, ông là một trong ít lão nông ở địa phương kiên trì với cây lúa trên đất nuôi tôm từ khi chuyển dịch cho tới nay. Hằng năm, với 1,2 ha trồng lúa trên đất nuôi tôm, ông Hồng thu hoạch bình quân từ 4-5 tấn lúa. Gia đình vừa có gạo để ăn vừa có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Lần đầu tiên trong sự nghiệp trồng lúa mấy mươi năm, ông Hồng chứng kiến cảnh lúa chết dần mà đành buông xuôi. Lúa đang phát triển tốt, nhưng đến khi làm đòng, nắng cứ kéo dài, không có một hạt mưa nên không trổ được. Nhận thấy nếu bón phân để cứu lúa thì cuối cùng cũng chẳng thu hoạch được bao nhiêu nên ông Hồng chỉ biết nhìn cánh đồng lúa vàng trĩu nặng ngày nào thất trắng theo cơn đại hạn. Lúa thất nhưng may mắn vụ tôm cũng còn thu nhập khá, mỗi con nước đem lại khoảng 10 triệu đồng.
Mặc dù không đến nỗi phải rơi vào cảnh chạy ăn từng bữa như nhiều gia đình khác cùng xóm, nhưng ông Hồng vẫn không giấu được niềm vui khi nhận được sự quan tâm của Nhà nước, chính quyền địa phương. Ông tâm sự: “Nhà nước thấy được cảnh nông dân trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại nặng và hỗ trợ. Số tiền tuy không lớn lắm nhưng nó có ý nghĩa rất lớn, động viên tinh thần đối với nông dân chúng tôi, tôi thấy vô cùng phấn khởi”.
Cùng chung ấp với ông Hồng, anh Lâm Thành Hiệp thiệt hại nặng nề hơn khi cả vụ lúa và vụ tôm gần như mất trắng. Anh Hiệp cho biết, lúa lên cao chừng một tấc thì gặp nắng hạn nên chết dần, không cứu được. Vụ tôm tiếp theo, gia đình anh thả 30.000 con giống nhưng chỉ thu lại có vài triệu đồng. Cách đây nửa tháng, anh Hiệp cùng nhiều bà con trong vùng được các ngành, chính quyền địa phương đến tận nhà trao số tiền hỗ trợ thiệt hại lúa trên đất nuôi tôm.
Anh nói: “Lúc trước mỗi năm cũng được 250 giạ lúa, vụ tôm cũng được vài chục triệu đồng nhưng vụ lúa - tôm rồi coi như thất trắng. Vì vậy, nhận được số tiền 2 triệu đồng vào lúc này, tôi mừng lắm. Vừa nhận được số tiền, tôi liền mua 20.000 con tôm giống thả, hiện đang phát triển tốt, tiền còn lại để mua lúa giống sản xuất vụ lúa sắp tới. Tranh thủ những cơn mưa vừa qua, tôi cũng bắt đầu tháo mặn rửa phèn được vài lần”.
Trong cơn thiên tai, đại hạn lịch sử, hàng ngàn héc-ta lúa cả vùng ngọt lẫn vùng mặn đều bị thiệt hại, hàng ngàn nông dân rơi vào cảnh thiếu lương thực, thiếu nước sinh hoạt, nhiều người phải rời xứ, xa quê hương tìm kế sinh nhai. Cùng lúc đó, đã có hàng ngàn tấm lòng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, xã hội không ngại gian khó, cực nhọc đến tận những nơi vùng sâu, vùng xa để trao tận tay gạo, mì, nước uống, bồn chứa nước, nhiều công trình, dự án cấp nước cho nông dân được gấp rút thực hiện… Vài triệu đồng hỗ trợ đối với 1 ha lúa bị thiệt hại tuy không phải là số tiền lớn, nhưng đó chính là tấm lòng, là sự sẻ chia, sát cánh cùng nông dân trong hoạn nạn, khó khăn của Nhà nước ta../.
Ngọc Minh