Rác thải nhựa tràn lan ngoài môi trường |
Lâu lâu chúng ta vẫn thấy một vài chương trình, hoạt động kiểu “đổi rác lấy quà”, “đổi rác lấy cây xanh”. Nhưng, những hoạt động này mới chỉ giải quyết được một lượng rất nhỏ ở phần ngọn của lượng rác khổng lồ được thải ra hàng ngày.
Phải phân loại rác từ gốc, nhưng điều này chưa được thực hiện tốt. Việc phân loại rác thậm chí đã lên đến nghị trường Quốc hội, nhưng vẫn cứ loay hoay, chưa có giải pháp cụ thể.
“Một mô hình xử lý rác thải nhựa là điều chúng ta có thể học hỏi ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản... Tại đó, rác phải được phân loại tại nguồn và mỗi loại/nhóm/chủng rác đều có vòng đời của mình, chúng được xử lý đúng và tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn”, một chuyên gia đã từng chia sẻ với tôi như vậy.
Các hoạt động cần hướng đến việc hình thành một hệ thống, mà tại đó các bên liên quan biết và hiểu rõ mình cần phải làm gì trong nguồn lực hiện có. Từ đó, có thể tham gia trực tiếp vào quá trình phân loại rác tại nguồn, rác được xử lý đúng và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn.
Quy tắc 3R (Tiết giảm-Reduce; Tái sử dụng - Reuse; Tái chế - Recycle), cần phải thực hiện từng bước, đảm bảo việc tái chế xảy ra, quản lý được rác thải rồi sau đó mới đến tiết giảm và tái sử dụng. Tất nhiên, vẫn có thể áp dụng song song cả 3 việc trên, nhưng nền tảng chủ yếu vẫn là quản lý và xử lý rác, vì dù muốn dù không thì rác vẫn phát sinh mỗi ngày.
Với quan điểm trên, chúng ta phải xác định rằng tầm nhìn dài hạn cần hướng đến nhóm đối tượng chính là trẻ em. Cụ thể là tại các trường học để việc phân loại rác được duy trì như một thói quen và bền vững. Khi thực hiện tốt vấn đề trên, chúng ta kỳ vọng vài chục năm sau sẽ có một thế hệ mà việc phân loại rác tại nguồn là điều đương nhiên phải làm chứ không cần phải vận động.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản, yêu cầu các cơ quan, đơn vị không sử dụng nước uống đóng chai sử dụng một lần (có thể tích 330ml -500ml) trong công sở và khi tổ chức các hội nghị hội thảo, chuyển đổi sang sử dụng các bình nước thể tích lớn (>20 lít), hoặc tự đun nấu, sử dụng các vật dụng chứa đựng sử dụng nhiều lần.
“Sở Tài chính không thanh toán các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp đối với việc sử dụng các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần, khó phân hủy”, văn bản cũng nêu rõ. Đó cũng là hành động thiết thực khi mà rác thải nhựa đã bủa vây khắp nơi.
Bên cạnh đó, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam) phối hợp với UBND TP. Huế đang được triển khai. Một vài hoạt động, chương trình đã thực hiện nhằm hạn chế một phần rác thải nhựa ra môi trường.
Ở góc độ của một công dân, tôi nghĩ chúng ta cần mạnh tay hơn nữa trong việc chống lại rác thải nhựa. Ý tưởng nói không với rác thải nhựa ở các bệnh viện cần được thực hiện và nhân rộng. Nếu giải quyết được ở vùng này thì chúng ta đã hạn chế được một lượng lớn rác thải nhựa hằng ngày.
Ai trong chúng ta cũng một lần thăm nuôi người bệnh và dễ nhận thấy rằng vấn đề hộp xốp đựng cơm là một thứ rác tác động rất tai hại đối với môi trường.
Một thống kê cho thấy, nếu chai nhựa mất 450 năm để phân hủy hết, ly nhựa mất 300 năm thì hộp xốp khi vứt ra môi trường mất đến 1.000 năm mới không để lại dấu tích trên hành tinh này.
Thử làm một bài toán nhỏ như thế này, nếu một bệnh viện có 100 bệnh nhân kèm theo 100 người nuôi. Một bữa ăn, 100 người nuôi bệnh mua cơm về cho bệnh nhân thì sẽ có 200 hộp xốp được dùng. Ở đây chúng ta tính người nuôi mua cơm về cùng ăn với bệnh nhân. Và như thế, một ngày hai lần, thì sẽ có 400 hộp xốp ra bãi rác. 400 hộp đó nếu lấy trung bình mỗi bệnh nhân cùng người nuôi ở viện trong vòng 3 ngày thì sẽ có đến 1.200 hộp bị thải ra.
1.200 hộp xốp, dĩ nhiên, không phải là con số cuối cùng. Nó chỉ là một giả thiết để nói lên một vấn đề khá lớn trong các bệnh viện. Thừa Thiên Huế từ các cấp huyện, thị xã đến thành phố có rất nhiều tuyến bệnh viện công lập. Nếu thống kê đầy đủ số bệnh viện cùng với lượng bệnh nhân nằm viện, đi kèm với đó là các nhu cầu sinh hoạt mà vấn đề hộp xốp đựng cơm mỗi bữa ăn bị thải ra đúng là khủng khiếp.
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây để giải quyết là gì? Tôi cho rằng, chính quyền nên phát động các bệnh viện cho người nuôi bệnh mượn cặp lồng (cà mèn) hoặc tự trang bị để mua cơm mỗi bữa.
Những cái cà mèn này sẽ được bệnh viện cho người nhà bệnh nhân ký mượn như cách cho bệnh nhân mượn áo quần, chăn màn kèm theo đó là tuyên truyền người dùng ý thức với môi trường. Nếu làm được điều đó tôi tin rằng sẽ giải quyết được vấn đề hộp xốp gây tác hại với môi trường, lượng rác thải nhựa sẽ giảm đáng kể.
Còn với cách tuyên truyền bằng áp phích, băng rôn bằng chất liệu khó phân hủy thì rõ ràng chúng ta không thể dùng cách đó để kêu gọi nói không với túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần được.