Khẳng định văn hóa doanh nghiệp là nền tảng tinh thần tạo nên giá trị doanh nghiệp; là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững; là sức mạnh,ănhóadoanhnghiệpGócnhìnđachiềkết quả trận đấu croatia tài sản vô hình hay chất keo liên kết các thành viên trong doanh nghiệp… các diễn giả tại hội thảo đã cùng nhau phân tích sâu những nhân tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp, đồng thời, đưa ra nhiều khuyến nghị rất xác đáng cho các doanh nhân xây dựng văn hóa ở doanh nghiệp của mình.
Các diễn giả uy tín cùng thảo luận về văn hóa doanh nghiệp
Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ 6 (1986), hoạt động kinh doanh đã được Nhà nước khuyến khích với nhiều cơ chế, chính sách ngày càng cởi mở, tạo điều kiện cho giới doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, theo PGS-TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Công thương Việt Nam - nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa còn đang trong quá trình phát triển với nhiều vấn đề quan trọng và cấp thiết, từ yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh của hàng hóa đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, có quan điểm mới xác định xây dựng văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của cả nền kinh tế với khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Trong 6 nhiệm vụ cơ bản đối với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, điểm nổi bật nhất là lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến vấn đề “Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế”(Nhiệm vụ thứ 3 được nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW). Cụ thể hơn, Nghị quyết nêu rõ: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế” và “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chứ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là định hướng chỉ đạo, cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ mới – hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh toàn cầu.
Văn hóa doanh nghiệp: Niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong kinh doanh
Khá thẳng thắn, Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc chỉ ra một thực tế đáng suy ngẫm, rằng, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá coi trong mục đích kiếm tiền mà chưa thực sự quan tâm đến việc chúng ta phải kiếm tiền trong niềm kiêu hãnh mang trong mình dòng máu oai hùng của tổ tiên, trong danh dự của người Việt Nam với thế giới.
Điểm qua những thương hiệu Honda, Toyota, Sony… của Nhật Bản hay Samsung của Hàn Quốc, ông Quốc khẳng định, những thương hiệu đó đã trở thành thương hiệu quốc gia, là niềm tự hào cho dân tộc họ. Trong khi đó, doanh nhân Việt Nam chưa thực sự coi việc đưa thương hiệu Việt đi chinh phục thị trường thế giới như một sứ mạng, một sự thúc bách nội lực, một lòng tự tôn dân tộc.
“Giờ đây, chúng ta có nguồn lực lớn hơn, điều kiện thuận lợi nhiều hơn… điều kiện chính trị, xã hội ổn định mà chịu thua trên dân nhà thì quả đáng buồn”– ông Quốc nói.
Tuy nhiên, ông Quốc cũng đặc biệt lưu ý, nhất là với lớp doanh nhân trẻ trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế nhanh và sâu, rộng, rằng, tác động của cơ chế thị trường đang khiến cho văn hóa nói chung, kinh doanh nói riêng đang chao đảo về các hệ thống giá trị. Chính vì vậy, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp cần tư duy đúng về văn hóa và văn hóa doanh nghiệp.
“Nếu ta ví sự phát triển kinh tế như chân ga giúp cho chiếc ô tô tiến lên phía trước thì văn hóa chính là chân phanh giúp cho chiến “ô tô” của đất nước có được độ ghìm nhất định”– Đầy ẩn ý, ông Dương Trung Quốc dừng lời.
Trách nhiệm với xã hội – một nhân tố tạo nên văn hóa doanh nghiệp
Đặt vấn đề văn hóa doanh nghiệp trong mối tương quan với thực hiện trách nhiệm xã hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – nhấn mạnh, kinh doanh thực chất là khai thác nhu cầu của con người, trong đó có nhu cầu đang, sẽ hoặc có thể tạo ra.
Ông Nguyễn Sỹ Dũng:"Người ta vẫn nhìn doanh nghiệp Việt Nam một cách thiếu thiện ý vì không ít doanh nghiệp, qua hoạt động của mình đẫ để lại hình ảnh và hậu quả xấu"
“Bạn không thể bán máy tính trên sao Hỏa vì đơn giản trên đó không có nhu cầu”– ông Dũng nói và kết luận, sự giàu có của các doanh nghiệp suy cho cùng là do các khách hàng tạo ra. Những khách hàng này – già, trẻ, gái, trai – tập hợp nhau lại thành xã hội và đó chính là nền tảng của vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Và để thực hiện trách nhiệm này, theo ông Dũng, có nhiều hình thức, nhưng chủ yếu cần đáp ứng trách nhiệm về đạo lý; nghĩa vụ tài chính (thuế) và môi trường. Phân tích sâu hơn, ông Dũng cho rằng, thứ nhất, một xã hội nhân bản và bác ái là rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh vì trong một xã hội như vậy, sự giàu có sẽ được chấp nhận và thiếu điều này động lực của hoạt động kinh doanh sẽ bị tước bỏ. Thứ hai, doanh nghiệp đóng thuế không phải để nuôi Nhà nước mà để Nhà nước có nguồn kinh phí chăm lo cho các nhu cầu xã hội. Và cuối cùng, môi trường sống trong lành là nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất của con người. Vậy trách nhiệm xã hội đầu tiên của doanh nghiệp là không kinh doanh trên sự tổn hại của môi trường.
Tán thành quan điểm của ông Dũng về trách nhiệm đối với môi trường của doanh nghiệp như một yếu tố cấu thành của văn hóa doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Shinec (Hải Phòng) dẫn số liệu, trong hơn một thập kỷ qua, cùng với tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm đạt cao, từ 15-17% là sự bùng nổ các hoạt động thương mại, dịch vụ đã gây nên những tác động xấu đến môi trường ngày càng lớn.
“Sự xuất hiện những “làng ung thư” liên tục trong thời gian gần đây cho thấy cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường là quá đắt”– ông Điệp nói và cho rằng, doanh nghiệp không thể coi vấn đề môi trường là ngoại vi, không quan trọng hay không cần thiết trong mọi hoạt động của mình. Và đây cũng chính là một trong những nhân tố hình thành văn hóa doanh nghiệp.
Cũng nói về trách nhiệm xã hội trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thoi – Giám đốc Công ty TNHH DV-TM-XNK Đức Thoi (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề các doanh nghiệp làm từ thiện.
“Người nghèo, trẻ em vùng cao không cần tiền, không cần những gói mỳ tôm của các bạn. Đừng làm thế, hãy đến chỗ họ, cho họ cái “cần câu cơm””– dẫn lời một nhà từ thiện nước ngoài nói khi chứng kiến hoạt động từ thiện của doanh nghiệp Việt Nam, ông Thoi cho rằng, trong khi đó, phần lớn hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ quẩn quanh trong hình thức “xin - cho” và quan điểm này cần được thay đổi theo hướng làm từ thiện gắn với những hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đi đôi với việc tạo ra việc làm, thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xã hội.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp trong cả nước
Hãy là “gà cùng một mẹ”
Nhìn nhận vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ góc độ cạnh tranh, tham luận của TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – cho biết, theo thống kê trên thế giới, 99% các vụ vi phạm về sở hữu trí tuệ đều vi phạm Luật cạnh tranh. Tương tự, Tổ chức bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng quốc tế cũng đánh giá, doanh nghiệp là “nguồn nguy hiểm cao độ”, đôi khi chỉ vì lợi nhuận mà vi phạm chuẩn mực cạnh tranh gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Từ những cứ liệu nói trên, ông Thành khẳng định, cạnh tranh chính là yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng cạnh tranh như thế nào, và cạnh tranh lành mạnh là cả một nhận thức văn hóa mà mỗi doanh nghiệp, doanh nhân cần phải biết.
Dẫn lời nhà tài phiệt ngân hàng hàng đầu của thế kỷ XX Bernard Baruch, rằng: “Không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”, ông Thành cho rằng, kinh doanh như một cuộc chơi, nhưng không giống như chơi thể thao, chời bài hay chơi cờ - ở đó luôn có kẻ thắng, người thua. Trong khi trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chỉ thành công khi những người khác thành công.
“Đây là sự thành công cho cả đôi bên nhiều hơn là cạnh tranh làm hại lẫn nhau”– ông Thành khẳng định - "Đây chính là nhân tố quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp".
Cũng nói về văn hóa doanh nghiệp trong cạnh tranh nhưng ở hoạt động cụ thể là quảng cáo, ông Lê Hữu Tâm – Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty CP SX – ĐT xây dựng Tâm Phát (Thanh Hóa) cho rằng, nhiều người vẫn quan niệm lệch lạc rằng quảng cáo có quyền nói quá sự thật, do đó sản phẩm nào tung ra cũng khẳng định vị trí số một và không ngần ngại chê bai đối thủ cạnh tranh, như: “bột giặt X hơn hẳn mọi bột giặt thường”hoặc “nước uống Y khác biệt hoàn toàn với những nước uống mà bạn từng sử dụng”.
“Thái độ không lành mạnh ấy rất dễ gây xung đột”– ông Tâm khẳng định và cho rằng, quảng cáo phải đúng, đẹp và văn minh.
Và, từ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng xã hội, bản thân doanh đến cách thức xây dựng, tiêu chuẩn văn hóa doanh nghiệp… cũng là những vấn đề được các diễn giả và đại biểu tham gia quan tâm, thảo luận.
Hội thảo “Cốt cách văn hóa doanh nghiệp nền móng cho sự phát triển bền vững” do Câu lạc bộ Các nhà công thương Việt Nam phối hợp với nhiều cơ quan Trung ương, địa phương tổ chức. Đồng hành với chương trình có Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Công ty CP Ao Vua và nhiều tổ chức, doanh nghiệp. |