Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Nghị quyết 35 của Chính phủ nêu rõ việc hỗ trợ và phát triển DN để đến năm 2020 nước ta có một triệu DN. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nam ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lập một website của Chính phủ giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp cùng các chuyên gia và các tổ công tác tiếp thu, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của DN tới Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là website của Chính phủ với DN, tiến tới sẽ có website của Chính phủ với người dân. Như vậy sự thông tin tiếp cận của DN với Chính phủ và trả lời của Chính phủ được công khai, minh bạch. Ai cũng có quyền truy cập, xem tất cả nội dung tại website của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Có thể nói qua hệ thống này các kiến nghị của DN, những khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt các cơ chế chính sách, các giao dịch, các chi phí trực tiếp… sẽ được các bộ, ngành, địa phương trả lời và Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác để đôn đốc kiểm tra và trả lời trực tiếp cho DN với danh nghĩa Chính phủ trả lời cho DN.
Website này hoạt động từ 1-10-2016. Tuy nhiên, do tập trung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ, nên bắt đầu từ ngày mai (5-10), tổ giúp việc cho Bộ trưởng sẽ trực tiếp tiếp nhận các thông tin của DN. “Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận được 6 ý kiến của DN trong và ngoài nước, nếu công bố ngày hôm nay thì chúng tôi sẽ nhận được nhiều hơn. Rất mong các phóng viên báo chí cùng theo dõi, giám sát việc tiếp nhận và trả lời của Chính phủ đối với DN, và khuyến nghị các DN trực tiếp hỏi thông tin công khai minh bạch trên cơ sở tuân theo pháp luật, quy định đã ban hành”, Bộ trưởng cho biết.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc website có nhận và phản hồi các thông tin như việc doanh nghiệp phải dùng phong bì để đút lót, “bôi trơn” trong quá trình tiếp xúc với cán bộ công quyền, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc lập website là thông điệp của Chính phủ về việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động nhấn mạnh sự công khai minh bạch. "Vấn đề phong bì trong thực tiễn là có, có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân gây khó dễ DN, rồi vấn đề tỷ lệ dự án, ăn chia… Do đó, Thủ tướng đã chỉ đạo phải công khai khai minh bạch để ngăn chặn lợi ích nhóm, hạn chế tiêu cực. Khi có thông tin như vậy, chúng tôi sẽ chuyển cơ quan chức năng, nếu đủ căn cứ thì cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm và cơ quan đó có trách nhiệm giải trình với DN, người dân".
Việc tiếp nhận, xử lý thông tin ở khía cạnh này như thế nào, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cần xem xét mức độ cụ thể, cần phải làm chính xác, nghiêm khắc nhưng cũng không bỏ lọt những trường hợp cần bị xử lý.