【xem bóng đá asiad】Nguồn nhân lực Cà Mau góc nhìn từ thực tiễn. Bài 4: Hướng mở gập ghềnh
(CMO) Khi vấn đề đào tạo, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông thôn và tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” diễn ra, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực mở hướng bằng Đề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đề án chính thức bắt đầu vào giữa năm 2018, với mục tiêu hết năm 2020 toàn tỉnh có 1 ngàn lao động được xuất khẩu sang nước ngoài. Đối tượng áp dụng cho đề án vô cùng mở, được hỗ trợ về chi phí, quy trình thủ tục, đào tạo ngoại ngữ, vay vốn… Thế nhưng, kết quả thu được đến thời điểm hiện tại khá khiêm tốn.
Sức ì của người lao động
Mở đầu cho câu chuyện xuất khẩu lao động, một bạn đồng nghiệp của chúng tôi so sánh: “Sao lấy chồng đi nước ngoài người Cà Mau nói riêng, người miền Tây nói chung ham quá, mà đi xuất khẩu lao động cứ ậm ì, ậm ạch”. Rõ ràng 2 câu chuyện khác nhau, nhưng vẫn phải suy ngẫm. Theo đề án, mỗi ứng viên sẽ được hỗ trợ chi phí ban đầu tối đa ở mức hơn 13 triệu đồng. Sở LĐ-TB&XH làm đầu mối hỗ trợ gần như toàn bộ quy trình thủ tục, học ngoại ngữ, chỉ cần ứng viên đáp ứng đủ điều kiện là… bay. Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp và việc làm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau Nguyễn Việt Nhân cho biết: “Công tác tuyên truyền đã đẩy lên hết mức, từ báo đài, qua chính quyền địa phương, lồng ghép vào hầu hết các nội dung để triển khai về tận cơ sở. Không những vậy, chúng tôi còn phân luồng đối với tất cả hơn 30 trường THPT trên địa bàn tỉnh ở khối 12, vậy nhưng đến thời điểm hiện tại, đề án vẫn tiến triển chưa như kỳ vọng”.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh tháng 6 từng nhấn mạnh: “Đây là cơ hội đổi đời, là công ăn việc làm, UBND tỉnh đã giải quyết từ cơ chế chính sách cho đến các vấn đề hết sức cụ thể". Qua gần 2 năm triển khai, cả về tiến độ, số lượng ứng viên, chất lượng ứng viên tham gia và số người đã xuất khẩu lao động đều không đạt theo kế hoạch đề án. Theo báo cáo, đến hết tháng 8/2019, Cà Mau có 478 người đăng ký đề án, 271 người theo học và đã xuất cảnh 118 người.
Vậy nguyên nhân nào khiến con số 1.300 lao động xuất khẩu sang thị trường lao động nước ngoài vào năm 2020 khó chạm đích? Ông Nguyễn Việt Nhân dẫn ra một nguyên nhân căn cơ, khó thay đổi trong một sớm một chiều: “Đó là tư duy, là cách suy nghĩ rất hời hợt của lực lượng lao động Cà Mau”. Theo ông Nhân, nhiều gia đình có con trong độ tuổi lao động, có đầy đủ điều kiện tham gia đề án, trong khi chưa có việc làm vẫn ngán ngại việc “con phải đi xa”. Tâm lý thụ động, kén chọn và thiếu tính chuyên nghiệp chính là nguyên nhân mà ứng viên của Cà Mau thường rớt lại ở các cuộc sát hạch từ phía nhà tuyển dụng.
Người lao động còn tâm lý lo ngại khi chi phí đi xuất khẩu lao động phải vay ngân hàng, tức là “ôm cục nợ”, trong khi thiếu hoặc không biết về cơ hội, thu nhập và điều kiện làm việc của con em mình khi tham gia đề án. Chính những sức ì đó tạo nên tình trạng e dè, không mặn mà, đùn đẩy từ khi bắt tay triển khai đề án, khiến kết quả không đạt được như chỉ tiêu đặt ra.
Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau Từ Hoàng Ân cho biết: “Hạn chế lớn nhất là sự quan tâm, phối hợp của chính quyền địa phương. Nhiều nơi coi đây là trách nhiệm của ngành LĐ-TB&XH mà không thực sự tích cực trong việc triển khai đề án. Thậm chí một số huyện còn không báo cáo tiến độ thực hiện”.
Nhân viên Tập đoàn ICOGroup - chi nhánh Cà Mau (phải) tư vấn tuyển sinh viên du học. Ảnh: Hồng Nhung |
Chưa tạo được hiệu ứng xã hội
Tìm đến gia đình chị Nguyễn Diễm Kiều, thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, một trong những ứng viên đã trúng tuyển trong kỳ sát hạch tại thị trường lao động Nhật Bản, niềm vui xen lẫn bao nỗi lo toan. Bà Huỳnh Thị Màu, mẹ chị Kiều, tâm sự: “Giờ con qua đó làm một thời gian rồi, cũng gởi về được một số tiền, nói chung bớt lo!”. Cha chị Kiều, ông Nguyễn Thành Oai bộc bạch: “Nó gởi lại con nhỏ cho nhà ngoại rồi quyết chí ra đi”. Khi được hỏi, chị Kiều đi như vậy gia đình có lo không, thì cả vợ chồng bà Màu đều khẳng định: “Lo gì, mình đi Nhà nước hỗ trợ quá trời, có công ăn việc làm, có thu nhập nữa. Nó lo được cho con nó là quá mừng rồi”.
Cũng tại huyện Thới Bình, chúng tôi được lắng nghe câu chuyện của anh Huỳnh Phi Long (ngụ Khóm 7, thị trấn Thới Bình), một ứng viên đã hoàn tất các thủ tục và xuất cảnh vào cuối năm 2018. Anh Long là một trong những ứng viên đầu tiên của tỉnh hy vọng đổi đời từ chương trình Đề án đưa lao động sang nước ngoài của tỉnh Cà Mau. Anh Long từng học đại học 2 năm tại Cần Thơ nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bỏ giữa chừng. Cả ông Huỳnh Tấn Liệt và bà Nguyễn Thị Huệ, cha mẹ anh Long, vững tin rằng: “Nó đi bên đó về chắc chắn chững chạc hơn, nghề nghiệp cũng giỏi hơn, có chút vốn thì sau này cha mẹ già khỏi lo chớ gì”.
Tâm lý chung của người dân, đó là trăm nghe không bằng một thấy, cho nên không cách nào tuyên truyền hiệu quả bằng việc lấy người thật, việc thật để minh chứng. Trong những ý kiến góp ý cho đề án, Phó trưởng ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Đức Tiến rất tâm huyết: “Mục tiêu đề ra là để phấn đấu, tuy nhiên phải tập trung vào chất lượng. Đầu tiên phải tuyển chọn đầu vào những người thật sự có nguyện vọng, có điều kiện, tính toán đến cả trình độ”. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thu Tư từng rất trăn trở: “Đây đúng là cơ hội đổi đời cho người lao động, nhưng vấn đề là để làm sao người lao động thực sự hiểu chuyện này. Tránh tình trạng cả thèm chóng chán, bỏ ngang giữa chừng sẽ mất cả thời gian, công sức và tiền bạc”.
Trên thực tế, với nguồn lao động đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa có việc làm toàn tỉnh Cà Mau thì lực lượng dự nguồn cho đề án là vô cùng phong phú. Có thể đề án chưa xác định được những đối tượng tiềm năng mà triển khai trên bình diện dàn trải, từ đó cả sức hút và hiệu quả đều chưa tạo được bứt phá. Liệu rằng trong những giai đoạn tiếp theo, đề án có hướng mở mới khả dĩ hơn. Về vấn đề này, ông Nhân cho biết: “Chúng tôi đang có ý tưởng hướng đến đối tượng đã tốt nghiệp đại học, thậm chí là du học tự túc để tính toán phương án vừa xuất khẩu lao động, vừa kết hợp học tập tại các nước”.
Cũng trong đề án xuất khẩu lao động, tuỳ yêu cầu của nhà tuyển dụng, có rất nhiều công việc lao động phổ thông, yêu cầu không quá cao, ứng viên chỉ cần đáp ứng những đòi hỏi hết sức cơ bản về kỹ năng, ngoại ngữ. Nhưng hình như người lao động phổ thông ở Cà Mau rất thờ ơ, coi mình như người ngoài cuộc vì một ý nghĩ ấu trĩ: “Cỡ mình trong nước đi làm mướn còn không có việc, làm sao đi làm ở nước ngoài được”. Vậy là người ta sẵn sàng đổ lên các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi có nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp để tìm một việc làm nào đó, với thu nhập tạm coi là chấp nhận được.
Trong khi khả năng giải quyết việc làm tại chỗ của địa phương có giới hạn, việc giải quyết cơ hội việc làm cho người lao động dù là ngoài tỉnh hay ngoài nước đều là phương án tốt. Vấn đề là khi tham gia thị trường lao động, chất lượng lao động, trình độ tay nghề, thu nhập của người lao động sẽ ở mức nào. Nó còn liên quan đến cả tương lai, cuộc sống lâu dài của từng người lao động. Tại sao lại từ bỏ một cơ hội để được thay đổi cuộc đời, thay đổi tư duy, được đào tạo, rèn luyện và có thu nhập khá? Đó là câu hỏi bức bách của một đề án hết sức nhân văn và triển vọng./.
Phạm Quốc Rin
Bài cuối: trăn trở về Giải pháp