Trước đó, sau kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Gia Lai. Trong đó dẫn chiếu: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan Thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Như vậy, người nộp thuế chậm nộp tiền thuế thì phải nộp tiền chậm nộp, không phân biệt về phân loại nợ (kể cả nợ khó thu). Việc phạt chậm nộp tiền thuế nếu thực hiện đồng loạt như hiện nay, xử lý phạt chậm nộp đối với nợ khó thu là không khả thi vì không tìm được đối tượng để phạt, để gửi thông báo phạt và thực tế nợ gốc cũng rất khó có thể thu được. Việc tính tiền chậm nộp chỉ làm tăng thêm số nợ. Vì vậy, cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế theo hướng, không tính tiền chậm nộp đối với những trường hợp nợ phân loại vào nhóm nợ khó thu như người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, chấm dứt hoạt động kinh doanh nhưng còn nợ thuế, người nộp thuế lâm vào tình trạng giải thể, phá sản...
Trả lời cử tri, Bộ Tài chính khẳng định: Đúng như cử tri Gia Lai có nêu, theo quy định của pháp luật, khi người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định thì sẽ bị tính tiền chậm nộp kể từ ngày tiếp theo hạn nộp đến ngày người nộp tiền thuế vào NSNN, không phân biệt tiền thuế nợ có khả năng thu hay không có khả năng thu.
Thực tế, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, số nợ thuế tính đến hết tháng 8/2017 là hơn 74 nghìn tỷ đồng, giảm so với tháng 7 là 810 tỷ đồng và chiếm 8% số thu nội địa. Tuy nhiên, trong số đó, nợ thuế có khả năng thu chỉ có 27.913 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,7% tổng số tiền thuế nợ; so với 31/12/2016 giảm 9,5%; so với thời điểm 31/7/2017 giảm 2,1%. Tỷ lệ tổng nợ có khả năng thu trên tổng dự toán thu nội địa là 3%. Trong khi đó, tiền thuế nợ của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh (không có khả năng thu hồi) là 28.088 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng số tiền thuế nợ; so với 31/12/2016 tăng 10,4%; so với thời điểm 31/7/2017 tăng 1%. Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp (0,03%/ngày) là 18.126 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,5% tổng số tiền thuế nợ. Nguyên nhân chủ yếu của số nợ không có khả năng thu là do trong những năm qua, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, mất khả năng thanh toán còn nợ thuế đã bỏ địa chỉ kinh doanh.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát, tổng hợp và phân tích tình hình nợ không còn đối tượng để thu, tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội về giải pháp xử lý tiền thuế nợ và tiền chậm nộp không có khả năng thu để kiến nghị với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét sửa Luật Quản lý thuế.
Cũng liên quan đến nợ thuế, cử tri tỉnh Gia Lai cũng đề nghị xem xét cụ thể đối với các khoản nợ thuế quá 10 năm của các doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích đã được cơ quan thuế, hải quan áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật nhưng không thu hồi được vì lý do khách quan.
Hiện nay, các khoản nợ thuế đã quá 10 năm mà cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật nhưng không thu hồi được nợ thì thuộc trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp. Tuy nhiên, đối với trường hợp các doanh nghiệp đã tự giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh, chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn, mất tích thì cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan không thực hiện được tất cả các biện pháp cưỡng chế nên không đủ điều kiện để xóa nợ thuế.
Nội dung này cũng là một trong những vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế đang được Bộ Tài chính tổng hợp và sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi. Trong dự kiến, Bộ Tài chính sẽ đề xuất xóa nợ đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn đối tượng thu để giảm số nợ đọng không có khả năng thu hồi.