Ông Hồ Sông Hương,ơngiôngtrờiđãsásoi keo leicester hai đứa con và cháu gái
Vượt qua nghịch cảnh
Tò mò với lời giới thiệu của một cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Vang, chúng tôi tìm về nhà ông Hồ Sông Hương vào một buổi xế chiều. Đúng như lời người cán bộ hội này, mới nghe tên ông, người dân ở đây đã tận tình chỉ dẫn.
Ngôi nhà cấp 4 sạch sẽ, gọn gàng của ông Hương nằm nép mình cạnh con đường bê tông gần chợ Phú An. Người thương binh, cựu tù Côn Đảo hàng chục năm qua nuôi hai con gái mù và 3 đứa cháu ăn học đến nơi đến chốn nay đã ở tuổi 76. Lúc trái gió trở trời, những vết thương lại thay nhau hành hạ, nhưng ông gồng mình quyết không gục ngã để làm chỗ dựa cho con cháu.
Cách đây 49 năm, lúc ông đang là đội trưởng thôn An Truyền, vợ chồng ông chào đón đứa con đầu lòng trong niềm vui khôn tả. Đó là năm 1968, ông đặt tên con là Hồ Thị Khởi Nghĩa. Tuy nhiên, niềm vui đến với vợ chồng ông không trọn vẹn khi họ phát hiện con gái không nhìn thấy được. Đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng đều nhận được cái lắc đầu của bác sĩ nên vợ chồng ông đành đưa con về nhà chăm sóc. Đó cũng là thời gian ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Sau 8 năm trở về, đứa con gái thứ hai của ông chào đời nhưng đau đớn thay, cháu cũng chung số phận với chị (sau này giám định y khoa, ông mới biết do mình bị nhiễm chất độc da cam lúc đang làm liên lạc viên). Nén nỗi đau vào trong, vợ chồng dành trọn tình yêu thương cho hai đứa con kém may mắn. Vậy nhưng, trong lòng ông lúc nào cũng đau đáu nỗi lo: “Giờ vợ chồng còn khỏe thì không sao, nhưng khi về già hai con không biết sẽ sao đây?”. Nỗi lo đó khiến ông đi đến quyết định không dễ dàng của một người cha là để con gái kiếm một mụn con, sau khi được bác sĩ kết luận cháu ông sẽ không bị di truyền từ mẹ...
Nghe ba kể, chị Hồ Thị Khởi Nghĩa xen ngang: “Năm 1988, khi biết được sắp làm mẹ, tôi vừa mừng vừa lo. Cuối cùng, đứa con kháu khỉnh, khỏe mạnh cũng chào đời trong niềm vui của gia đình và người thân...”.
Từ ngày có thành viên mới, cuộc sống gia đình ông Hương cũng khó khăn hơn. Vợ chồng ông phải cật lực làm việc để nuôi con, nuôi cháu. “Thời gian đầu mới làm mẹ, không ít lần tôi lọ mọ đút nước và cháo mà không trúng miệng con... ” - chị Nghĩa kể. Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi tám năm sau, chị Nghĩa lại có thai một lần nữa, tiếp đó đứa con gái thứ 2 của ông cũng mang thai. Không một lời oán trách các con, cũng không đổ lỗi cho ai, vợ chồng ông Hương chấp nhận bởi tình mẫu tử sâu nặng.
Ngoài đồng lương ít ỏi của mình, ông Hương bươn chải khắp nơi để làm tròn vai trò người cha của 2 đứa con mù và 3 đứa cháu thơ dại. “Thời điểm đó, tôi rong ruổi nhiều nơi và làm nhiều nghề để kiếm tiền, khi thì đi hàng tháng trời tận Quảng Nam, Đà Nẵng để buôn bán, khi lại về đánh bắt cá gần thâu đêm cho vợ đi chợ bán. Vợ tui cũng vì vất vả, không chịu đi chữa bệnh nên đã bỏ tui và tụi nhỏ ra đi”, giọng ông Hương chùng xuống khi nói về người vợ quá cố của mình.
Sau cơn giông, trời đã sáng...
Rất nhiều lúc gia đình ông Hương rơi vào cùng cực của sự éo le, thiếu thốn; chỉ riêng mỗi tình yêu thương, sự ấm áp là không bao giờ thiếu bởi các thành viên trong gia đình ai cũng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Ông Hương luôn động viên các cháu dù khó khăn đến mấy cũng chịu khó học tập. Các cháu ông đều ý thức được hoàn cảnh của mình nên ai cũng chăm ngoan, học giỏi.
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, ngay từ khi còn nhỏ, cô cháu gái Hồ Thị Thái Bình luôn ý thức học tập và cố gắng phụ giúp gia đình. Từ khi là sinh viên năm thứ 2, Bình đã đi dạy kèm, có lúc cao điểm em nhận dạy kèm 5 nơi. Tuy vậy, thành tích học tập của Bình vẫn thật đáng nể. Bình được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi học năm thứ 4 đại học. Sau khi ra trường, Bình tiếp tục vừa làm vừa học và hiện em đã tốt nghiệp cao học, có việc làm ổn định.
Noi gương chị, hai đứa cháu còn lại của ông Hương cũng không thua kém, hiện em Hồ Thị Thu Hiền đang là sinh viên Trường đại học Khoa học Huế và đứa cháu trai duy nhất là Hồ Chí Tâm, con trai chị Hồ Thị Thắng Lợi đang học lớp 7. Cả hai đều chăm ngoan, học giỏi.
Dẫn chúng tôi đi thăm ngôi nhà ấm cúng với nhiều đồ dùng tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh, máy giặt..., ông Hương tự hào: “Từ ngày cháu Bình tốt nghiệp cao học, có việc làm ổn định, cuộc sống gia đình tôi đã đi vào ổn định. Hai ông cháu tích cóp tiền lương của mình thay nhau sửa sang nhà cửa và sắm thêm tiện nghi trong nhà”. Nhìn nụ cười trên gương mặt ông Hương, chúng tôi thật mừng cho gia đình ông, sau bao gian nan đã có ngày hạnh phúc.
Tuấn Khoa