Mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện An toàn giao thông” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: NVCC |
LTS: Qua 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp", toàn TP Hà Nội đã có nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, nhiều cách làm hay, những điển hình tiên tiến được nhân rộng, có sức lan tỏa cao; tạo nên những chuyển biến tích cực của hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh.
Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm
Bà Vũ Lan Anh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm cho biết: “Mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông” đã phát huy được vai trò của người phụ nữ trong gia đình tham gia tuyên truyền các hoạt động an toàn giao thông, đặc biệt vận động chồng, con, người thân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông”.
Theo bà Vũ Lan Anh, lý do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm thành lập mô hình này là vì nhận thấy phụ nữ là những người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ những vụ tai nạn. “Với mong muốn người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, góp phần giảm bớt những vụ tai nạn giao thông cũng như nỗi đau, mất mát từ những vụ tai nạn, chúng tôi đã thành lập mô hình này. Đây cũng là mô hình nằm trong khuôn khổ Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội giai đoạn 2022-2024” - bà Vũ Lan Anh nhấn mạnh.
Bà Vũ Lan Anh cho biết thêm, ban đầu, nhiều nam giới còn e dè, “ngại” tham gia mô hình nhưng khi hiểu được mục đích tốt đẹp của mô hình là tuyên truyền về các vấn đề an toàn giao thông, góp phần quan trọng gìn giữ “hạnh phúc của mọi nhà” thì nhiều hội viên nam cũng tích cực tham gia. Đây cũng là mô hình đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội có nam giới là hội viên.
Để phát triển mô hình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm đã chú trọng các hoạt động bồi dưỡng kiến thức giúp hội viên nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, phát huy vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền, vận động thành viên trong gia đình thực hành văn hóa khi tham gia giao thông. Sau 6 năm triển khai, từ 4 câu lạc bộ (CLB) ban đầu của các xã Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thụy, Kim Sơn (huyện Gia Lâm), mô hình đã phát triển thành 10 CLB của huyện. Các CLB đều có nhiều sáng kiến hay, đặc biệt là tuyên truyền tác hại của rượu, bia, an toàn giao thông qua những tiểu phẩm vui, các bài thơ do các thành viên tự viết kịch bản và biểu diễn, lan tỏa trên mạng xã hội, mang lại những hiệu quả tích cực.
Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội trao bằng khen cho các điển hình trong thực hiện cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp". Ảnh: A.N |
Nhân rộng mô hình hữu ích ra toàn Thành phố
Bên cạnh những hoạt động tuyên truyền, hàng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gia Lâm đều tổ chức “Hội thi sáng kiến truyền thông” nhằm tạo sân chơi giao lưu giữa các CLB, lan tỏa những sáng kiến hữu ích. Hội cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức được nhiều buổi truyền thông kiến thức, văn hóa khi tham gia giao thông cho các hội viên. Ngoài ra, Hội phối hợp với Công an huyện Gia Lâm và Công ty Honda Việt Nam tổ chức ngày hội An toàn giao thông cho phụ nữ và trẻ em với sự tham gia của các cán bộ, hội viên phụ nữ, học sinh…
Nhờ những hiệu quả tích cực, mô hình đã được nhân rộng sang nhiều quận, huyện khác của Hà Nội. Đến nay đã có hơn 20 CLB được thành lập trên toàn TP Hà Nội. Bà Vũ Lan Anh khẳng định: “Thông tin đáng mừng là sau khi mô hình được triển khai, số vụ tai nạn, số người thương vong do tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Gia Lâm đã giảm đi đáng kể, ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao, văn hóa giao thông từng bước được hình thành”.
Ngoài mô hình “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội còn triển khai nhiều mô hình cũng như tham gia các hoạt động về phụ nữ ứng xử đẹp khi tham gia giao thông như “Phụ nữ và gia đình thực hiện an toàn giao thông”; “3 nhớ” khi tham gia giao thông (nhớ đội mũ bảo hiểm, nhớ đi đúng làn đường, nhớ không uống rươụ bia); thực hiện “3 không” trong giữ gìn trật tự đô thị (không lấn chiếm vỉa vè, lòng đường, không vứt rác và phế thải bừa bãi nơi công cộng, không mua bán trên vỉa hè, lòng đường); mô hình cổng trường an toàn… góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị, hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh: “Thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” để phát huy vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Phát triển văn hóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025". Sau 3 năm triển khai thực thực hiện, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Cuộc vận động đến các đối tượng phụ nữ thông qua nhiều hình thức phong phú, sáng tạo, gắn với việc tuyên truyền 2 Quy tắc ứng xử của TP và Cuộc Vận động Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng tạo sự chuyển biến cụ thể nâng cao chất lượng thực hiện các phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Vì vậy, nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đã có những chuyển biến khá tích cực, góp phần vào việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. |
Phụ nữ Thủ đô truyền thông pháp luật về an toàn giao thông |