Là thương binh nặng với tỷ lệ mất sức lao động 94%,ộcđờimạnhmẽcủangườithươngbinhmhaimắty le keo duc ông Lê Hoàng Quến, thương binh 1/4 ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, đã phấn đấu vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho xã hội.
Ông Quến trong một đợt trao quà cho người dân. Ảnh chụp trước đợt dịch
Ký ức không quên
Trong căn nhà của gia đình, ông Quến trò chuyện cùng một vài thương binh ở xóm, ông chia sẻ năm nay dịch bệnh phức tạp, không tổ chức họp mặt như những năm trước. “Những năm qua, Đảng, Nhà nước và địa phương đã quan tâm cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng rất nhiều. Tuy vẫn còn một số gặp khó khăn, nhưng có được như ngày nay là quý lắm rồi”, ông Quến cho biết.
Tham gia lực lượng du kích tập trung của xã vào tháng 4-1973, khi đó, ông mới 17 tuổi. Theo ông Quến, chứng kiến quân giặc tàn phá quê hương, với trách nhiệm của người trai đối với Tổ quốc, ông đã hăng hái lên đường chống giặc, chỉ mong đất nước sớm ngày thống nhất. Năm 1974, ông được rút về bổ sung cho Tiểu đoàn Tây Đô tỉnh Cần Thơ. Những năm này, ông tham gia nhiều trận đánh “giáp lá cà” với kẻ thù. Đến tháng 5-1978, trong trận đánh biên giới Tây Nam ông đã bị thương nặng. Ông Quến cho biết: “Trận đánh đó, tôi đã bị thương ở mắt và cả chân trái. Sau đó, tôi được đưa thẳng đến Bệnh viện 175 để điều trị. Tôi hôn mê cả tuần mới tỉnh lại”.
Lúc tỉnh lại, biết mình bị mù cả hai mắt, bị cụt luôn chân trái, ông Quến vô cùng đau đớn. Từ một thành niên khỏe mạnh, tích cực tham gia chiến trường vậy mà giờ đây ông không thể cầm súng chiến đấu cùng đồng đội, không thể nhìn khuôn mặt của người thân, mọi thứ với ông chỉ còn màu đen của bóng đêm. Có những lúc quá đau đớn do vết thương ông muốn buông xuôi, song với sự động viên của y bác sĩ, gia đình, đồng đội ông tiếp tục điều trị, cố gắng vượt qua nỗi đau tiếp tục sống, cống hiến. Ông Quến cho biết: “Dẫu mang thương tích trên cơ thể, nhưng tôi rất tự hào vì đã cống hiến cho Tổ quốc, cho cách mạng. Sau này, tôi cũng thường hay kể về những chuyện ngày xưa để con cháu biết về cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc, về truyền thống cách mạng của gia đình”.
Tích cực cống hiến cho xã hội
Sau thời gian điều trị, đến năm 1981 ông được gia đình nhận về chăm sóc. Những năm đầu, ông gặp biết bao khó khăn từ chuyện sinh hoạt các nhân đến đi lại. Tuy nhiên, với quyết tâm của Bộ đội Cụ Hồ, ông cố gắng tập từng bước đi, rồi tự mình thực hiện các sinh hoạt cá nhân. Sau rất nhiều nỗ lực, cố gắng nhiều năm, ông đã tự đi lại được, thậm chí còn có thể nấu cơm. Ông Quến vui vẻ: “Giờ đây, chỉ những chỗ lạ tôi mới cầm gậy, còn chỗ quen tôi tự mình đi được hết. Nói thiệt chứ, chỗ lạ tôi tới lui một vài lần là có thể bỏ gậy đi được rồi”.
Đến năm 1997, khi địa phương thành lập Hội Người mù, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Long Mỹ lúc bấy giờ đã mời ông tham gia công tác hội. Lúc đó, ông Quến rất ngần ngại bởi bản thân không nhìn thấy đường, rồi đường sá đi lại khó khăn. Rồi với sự thuyết phục của mọi người ông đã đồng ý. “Những năm đó, vất vả không sao tả siết, đường sá khó đi lắm. Muốn đi từ huyện xuống một số xã như Lương Tâm phải đi đò, đời sống hội viên khó khăn trăm bề”, ông Quến nhớ lại.
Mặc dù không nhìn thấy bằng đôi mắt nhưng ông Quến vẫn cần mẫn làm việc và vượt khó đi lên. Những năm đó, người mù gặp rất nhiều khó khăn ông không ngại khó tích cực vận động giúp đỡ mọi người khi thì vài ký gạo, chục gói mì, chai nước tương, nước mắm... Đến năm 2015 khi tỉnh thành lập Hội Người mù ông được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Với trách nhiệm được giao, ông thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn của hội viên. Trên cơ sở đó bàn bạc cùng Chủ tịch Hội và tìm hướng giúp đỡ. Những năm qua, ngoài nguồn vốn Trung ương Hội Người mù hỗ trợ hội viên vay vốn, tạo việc làm, bản thân ông đã tích cực vận động xã hội hóa trao tặng nhiều phần quà, xe lăn, nhà tình thương cho người mù. Nhờ sự giúp đỡ ấy, nhiều người đã phần nào khắc phục được khó khăn, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Những tháng qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông đã ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch. Ông Quến cho biết rằng, ông đóng góp có nhiêu đâu, chỉ mong góp chút tấm lòng cùng cả nước chống dịch. Được biết, năm 2020 vừa qua, ông cũng ủng hộ 1 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch.
Trong cuộc sống cũng như công việc ông Quến luôn tìm cách động viên con em những gia đình nghèo cố gắng tu chí học hành và rèn luyện, nhắc nhở con cháu luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước. Với những nỗ lực không mệt mỏi, hy sinh, cống hiến cho đời, ông Quến đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Gặp mặt tuyên dương thương binh nặng toàn quốc năm 2019...
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU