(CMO) Phải thấm nhuần tư tưởng “Đầu tư cho cải cách hành chính (CCHC) là đầu tư cho phát triển”. Đó là một trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) CCHC của Chính phủ đối các bộ, ngành, địa phương tại Phiên họp thứ 4 của BCĐ thông qua hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố vào sáng ngày 19/4.
Nội dung phiên họp về tình hình thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp; Công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước - SIPAS 2022 và Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - PAR INDEX 2022. Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang. Tại điểm cầu Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tham dự.
Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật 17.830 quy định hiện hành, 149 quy định dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử có những chia sẻ về những nỗ lực của Cà Mau trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân thời gian qua.
Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy vai trò là “cầu nối” giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với người dân, doanh nghiệp thông qua việc lắng nghe, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, TTHC. Một số báo cáo của Hội đồng xây dựng với nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp được đánh gia cao, giúp các bộ, ngành, địa phương tham khảo, nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến.
Về mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nói chung năm 2022 trong cả nước (Chỉ số SIPAS 2022), có 5 tỉnh đạt thứ hạng cao là Quảng Ninh, Thái Nguyên, Cà Mau, Bình Dương và tỉnh Thanh Hoá. Trong đó, Cà Mau xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2022, tăng 18 bậc so với năm 2021.
Về chỉ số CCHC năm 2022, Cà Mau xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021. Đứng đầu là tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên đứng chót bảng xếp hạng.
Tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương có nhiều chia sẻ về những kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Kết quả cải cách TTHC, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của ngành Ngân hàng. Sáng kiến và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cà Mau xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố về chỉ số CCHC năm 2022, tăng 16 bậc so với năm 2021.
Tỉnh Cà Mau cũng có những chia sẻ về những nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua.
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh; sự nỗ lực, tham gia, vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan hành chính nhà nước các cấp; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Cà Mau thời gian qua đã được cải thiện rõ nét; niềm tin, sự ủng hộ của người dân ngày càng được nâng lên. Kết quả khảo sát tại tỉnh cho thấy, mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết TTHC đạt trên 99%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh: Từ những kết quả đã đạt được, tỉnh nhận thấy, để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, cán bộ, công chức phải thật sự gần gũi, quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của người dân và có giải pháp xử lý, tháo gỡ đến nơi, đến chốn. Đồng thời, để làm được việc này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, có tư duy đổi mới “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu sẽ tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực cho cả hệ thống chính trị để cùng hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Cà Mau xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về mức độ hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị thành viên BCĐ cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc CCHC của đất nước, của bộ, ngành, địa phương. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Tiếp tục đẩy mạnh CCHC nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; chủ động sáng tạo; kịp thời hiệu quả". Đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu đảm bảo trên dưới đồng lòng, tất cả vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của người dân.
Tăng cường kỷ luật kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tính quyết đoán, quyết định sâu sát của các cấp, bộ, ngành. Chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ đảm bảo đồng bộ, nhất quán, hiệu quả nhằm đạt mục tiêu đề ra. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá khách quan kết quả, hiệu quả đạt được. Chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các bộ, ngành Trung ương. Không xử lý những việc không thuộc thẩm quyền./.
Hồng Phượng