Theo Báo cáo tình hình kinh tế vĩ mô tháng 7 của Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong tháng 7 vừa qua, khiến NHNN liên tiếp phát hành tín phiếu để hút tiền về.
Cụ thể , báo cáo vĩ mô của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, lãi suất liên ngân hàng duy trì chiều hướng đi xuống tới cuối tháng 7 và sang đầu tháng 8, lãi suất qua đêm chỉ giao dịch quanh ngưỡng 0,5%, gần sát ngưỡng thấp kỷ lục của cùng kỳ năm 2016.
Nhờ đó, NHNN đã nối lại phát hành tín phiếu sau hơn 3 tháng tạm ngừng. Điểm đáng chú ý là lãi suất tín phiếu đã giảm về mức thấp kỷ lục 0,28%.
Theo TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc điều hành MarketIntello, thanh khoản dồi dào chủ yếu do thời gian qua NHNN đã mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để gia tăng dự trữ ngoại hối, làm tăng cung tiền đồng ra ngoài thị trường.
Với những động thái phát hành tín phiếu qua kênh OMO, tính riêng trong tháng 7, NHNN đã hút ròng tới 37.000 tỷ đồng.
Nhờ thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào, lãi suất đã có nhiều cơ sở để giảm. Thậm chí nhận định về việc NHNN công bố quyết định hạ lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên, TS. Đinh Tuấn Minh cho rằng: “Động thái này thực chất chỉ là việc xác nhận xu hướng của thị trường chứ không tạo ra thêm áp lực giảm lãi suất của các ngân hàng”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo NHNN bảo đảm tăng trưởng tín dụng trên 20% gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.
Do đó, các chuyên gia của SSI đã nhận định, nếu hoàn thành chỉ tiêu mà Thủ tướng giao cho NHNN, năm nay sẽ là năm đầu tiên kể từ 2010 tăng trưởng tín dụng trên 20%. Với 5,5 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2016 và tín dụng toàn hệ thống tính tới hết tháng 6 đã tăng 9,06% lên khoảng 6 triệu tỷ đồng, ước tính sẽ có 600-700 nghìn tỷ đồng tín dụng được cung ra nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm, nâng tổng dư nợ tín dụng lên khoảng 6,7 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng tín dụng cao là những lo ngại về lạm phát cũng như việc các ngân hàng thương mại có thể “nắn” tín dụng vào các lĩnh vực có nhu cầu vay lớn nhưng chứa nhiều rủi ro như bất động sản, BOT, BT…
Vì thế, các chuyên gia SSI đưa ra cảnh báo, “room” cho tín dụng là còn, tuy nhiên cần cân nhắc tới áp lực lạm phát và khả năng dòng tiền vào bất động sản. Bên cạnh đó quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng có thể ảnh hưởng lớn tới thanh khoản ngân hàng trong những tháng cuối năm.