【số liệu thống kê về man utd gặp brentford】Thu ngân sách 8 tháng đạt 85,6% dự toán

undefined

Sự phục hồi của nền kinh tế với những tác động tích cực từ các chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế, DN giúp tăng thu NSNN. Ảnh: T.Bình

Thu ngân sách giảm trong tháng 8

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, thu NSNN tháng 8 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 46 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước, trong đó, thu nội địa ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 43,4 nghìn tỷ đồng; thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước.

Đồng thời, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so tháng trước.

Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân thu NSNN tháng 8 giảm, trong đó thu nội địa giảm chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý như thuế TNDN, thuế TNCN và thuế GTGT của hộ kinh doanh phát sinh quý 2/2022 các DN đã kê khai, nộp trong tháng 7, sang tháng 8 phát sinh thấp.

Thu từ dầu thô giảm là do giá dầu thanh toán bình quân mặc dù vẫn cao hơn dự toán nhưng lại thấp hơn 9,8 USD/thùng so với tháng trước.

Riêng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, trong tháng 8 kim ngạch nhập khẩu có thuế của một số mặt hàng có số thu ngân sách lớn giảm mạnh như xăng, dầu, sắt thép, hóa chất, chất dẻo, bông các loại...; kết hợp với số hoàn thuế cho một số dự án tăng theo tiến độ thực hiện, làm giảm số thu cân đối ngân sách trong lĩnh vực này.

Đồng thời, trong tháng 8, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; lũy kế tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn đến hết tháng 8 ước khoảng 106,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 52 nghìn tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp NSNN khoảng 10 nghìn tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 54,2 nghìn tỷ đồng.

Thu ngân sách 8 tháng tăng

Tổng thu ngân sách 8 tháng ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán (ngân sách trung ương ước đạt 84,8% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 86,4% dự toán).

Trong đó, thu nội địa ước đạt gần 954,6 nghìn tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 80,2% dự toán, tăng 13,6% so với cùng kỳ (loại trừ các yếu tố tác động của chính sách miễn, giảm, gia hạn, thì số thu thuế, phí nội địa không kể các khoản đột biến thì tăng 6,9% so với cùng kỳ).

Theo thống kê, đến hết tháng 8, có 2 khoản thu ước vượt dự toán, 3 khoản thu đạt trên 90% dự toán. Các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 52% dự toán tổng số thu nội địa) ước đạt 76,8% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ khu vực DNNN đạt 74,9% dự toán, tăng 9,8%; thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,9% dự toán, tăng 3,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 82% dự toán, tăng 18,4%.

Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 57,6%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 50,9%).

Theo Bộ Tài chính, mặc dù thu NSNN tháng 8 giảm, nhưng tổng thu của 8 tháng vẫn tăng, trong đó nguyên nhân quan trọng phải kể tới là cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, những tác động tích cực từ các chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế, DN và người dân, thì cơ quan thuế, hải quan các cấp cũng đã nỗ lực tăng cường các giải pháp chống thất thu NSNN.

Tính đến hết ngày 15/8/2022, cơ quan thuế đã thực hiện 37,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 412,5 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 35,5 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách 4,9 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ 27,8 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết 8 tháng là 22,8 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, thu từ dầu thô ước đạt gần 51,1 nghìn tỷ đồng, bằng 181,2% dự toán, tăng 98,8% so với cùng kỳ năm 2021. Giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng đạt khoảng 107,3 USD/thùng, tăng 47,3 USD/thùng so với dự toán, tăng 64,9% so với cùng kỳ; sản lượng dầu thô thanh toán đạt 5,7 triệu tấn, bằng 81,4% kế hoạch.

Riêng thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 197,6 nghìn tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính cũng cho biết thêm, hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng tăng trưởng tích cực. Nhờ đó, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá có thuế lũy kế đến ngày 15/8/2022 đạt khoảng 97,9 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch các mặt hàng đóng góp số thu lớn cho ngân sách tăng mạnh như: dầu thô (tăng 42,3%), xăng dầu (tăng 112%), điện thoại và linh kiện (tăng 44,7%), sắt thép (tăng 15%), máy vi tính và sản phẩm điện tử (tăng 29,3%), hóa chất (tăng 18%)...

Đồng thời, cơ quan hải quan tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.

Tính đến ngày 15/8/2022, đã thực hiện 1.826 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN gần 249,2 tỷ đồng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 9,93 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 4,17 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 232,5 tỷ đồng.