Dịp cuối năm, các hãng xe tập trung vào các chiến dịch kích cầu nhằm chạy đua doanh số, song song với việc tung sản phẩm mới. Trong số này, những cái tên dự kiến lên kệ trong tháng 11 chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc.
Wuling Bingo
Theo một số nguồn tin, Wuling Bingo sẽ có ít nhất 2 phiên bản thương mại tại Việt Nam, đều trang bị động cơ có công suất 50kW (khoảng 67 mã lực), mô-men xoắn 125-150Nm tùy biến thể.
Hai phiên bản này sử dụng pin LFP dung lượng lần lượt 31,9kWh và 37,9kWh, phạm vi hoạt động tối đa tương ứng là 333km và 410km. Xe hỗ trợ sạc nhanh 30-80% pin trong khoảng 30 phút.
Wuling Bingo là sản phẩm thứ 2 của thương hiệu Trung Quốc sau Mini EV, do đó TMT Motors (nhà phân phối) đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào sản phẩm này. Tuy nhiên, Bingo đang gặp tranh cãi xung quanh giá bán dự kiến.
Cụ thể, theo hình ảnh được cho là ghi lại trong một buổi gặp mặt giữa TMT Motors và giới truyền thông, hai phiên bản 333km và 410km của Bingo sẽ có giá dự kiến lần lượt là 470 triệu đồng và 530 triệu đồng. Đây chưa phải là giá bán chính thức.
Thực tế, trong nhiều chiến dịch quảng cáo ở những tháng trước, TMT Motors đã nhấn mạnh thông điệp rằng Bingo sẽ khó có giá rẻ. Nguyên nhân là bởi mẫu xe này có 4 cửa, sở hữu kích thước ngang xe hạng A và nhiều trang bị hơn "đàn em" Mini EV.
MG G50
Gia nhập phân khúc MPV cỡ trung vốn đang khá bình lặng và ít sự cạnh tranh, MG G50 cũng thu hút được sự chú ý khi được "vén màn" tại triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2024. Mẫu xe Trung Quốc này có thể được mở bán ngay trong tháng 11.
Cấu hình trang bị và phiên bản của MG G50 chưa được hé lộ, nhưng có khả năng sẽ có 2 biến thể, trong đó xe trưng bày tại VMS có thể là bản cao. Theo một số nguồn tin của phóng viên báo Dân trí,MG G50 có thể được chốt giá quanh mức 500-600 triệu đồng, chỉ ngang một mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander (560-658 triệu đồng).
Thông tin trên là có cơ sở, theo nhận định của giới chuyên gia. Nguyên nhân là bởi chiếc MG G50 xuất hiện tại VMS không có nhiều trang bị đáng chú ý.
Ở bên ngoài, xe có đèn LED trước/sau và mâm hợp kim 17 inch. Nội thất có màn hình đa thông tin dạng kỹ thuật số, màn hình giải trí 12,3 inch đặt nổi, điều hòa tự động, phanh tay điện tử và một số cổng sạc.
Tuy nhiên, MG G50 không có hệ thống an toàn chủ động (ADAS) như các đối thủ cùng phân khúc. Do đó, mẫu xe này có thể hướng tới đối tượng khách hàng có nhu cầu chạy dịch vụ, hoặc mong muốn tìm kiếm một mẫu xe 7 chỗ rộng rãi nhưng tối ưu mức giá.
Haval Jolion
Lần đầu xuất hiện thông tin vào đầu năm 2024 nhưng mãi chưa được ra mắt, Haval Jolion chính là một trong những mẫu xe "trễ hẹn" nhất với người dùng Việt. Tuy nhiên, một số đại lý đã bắt đầu chào khách đặt cọc, nên có thể mẫu xe Trung Quốc này sẽ được giới thiệu trong tháng 11.
Haval Jolion được định vị ở phân khúc crossover cỡ B+, cạnh tranh với Toyota Corolla Cross và Mazda CX-30. Đại diện của hãng cho biết, mẫu xe này sẽ được phân phối với 2 phiên bản, trong đó biến thể tiêu chuẩn dự kiến sẽ có giá dưới 700 triệu đồng.
Nếu thông tin này là chính xác, Haval Jolion sẽ có lợi thế cạnh tranh với các đối thủ, song song với việc đánh chiếm thị phần cùng các mẫu SUV hạng B như Mitsubishi Xforce hay Hyundai Creta.
Dù là phiên bản nào, Haval Jolion cũng sử dụng hệ truyền động hybrid, gồm động cơ xăng tăng áp 1.6L, kết hợp với mô-tơ điện, hộp số tự động ly hợp kép 7 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Cấu hình này tạo ra tổng công suất tối đa 190 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 375Nm.