Vì mối lương duyên và từ mong muốn làm “sống” lại những tư liệu tưởng chừng “ngủ quên” trong kho lưu trữ,ấutchchangthờimởshonan vs cán bộ và người dân Hậu Giang có dịp tìm hiểu quá khứ hàng trăm năm trước để biết được vùng đất này đã được khai khẩn qua từng giai đoạn lịch sử...
Triển lãm tư liệu quý được khai mạc trong sự chờ đón của mọi người.
300 năm miền Hậu Giang hiển hiện qua từng hình ảnh
Hậu Giang - địa danh gắn liền với miệt vườn sông nước cách đây hơn 300 năm. Với bàn tay lao động miệt mài, cư dân Hậu Giang trải qua quá trình gian khổ, chống chọi với thiên nhiên, đấu tranh chống lại sự đô hộ, xâm lược của kẻ thù, đã biến vùng đất “dưới sông sấu lội, lên rừng cọp đua” thành vùng đất trù phú.
Thời bắt đầu khai hoang, lập ấp, họ Mạc đến khai phá miệt Hậu Giang từ giữa thế kỷ XVII, khi xuôi thuyền về phương Nam, khẩn hoang lập nghiệp, biến vùng đất Mang Khảm (Rạch Giá - Cà Mau bây giờ) thành trung tâm trù phú miệt sông Hậu, đến năm 1708, Mạc Cửu dâng đất cho Chúa Nguyễn. Mộc bản Triều Nguyễn vẫn còn lưu lại dấu tích năm 1773, vùng đất này trở thành vùng đất chiến lược của Đại Việt trong công cuộc chống ngoại xâm, thể hiện qua những dấu tích còn lưu lại. Lược dịch từ Mộc bản Triều Nguyễn có đoạn gợi lên nhiều chi tiết lịch sử đắt giá: “Quý Tỵ, năm thứ 8 (1773), mùa xuân, tháng 2, chúa mật sai Mạc Thiên Tứ cho người sang Xiêm mượn tiếng giảng hòa để dõi thăm tình hình động tĩnh. Thiên Tứ cho xá nhân là Mạc Tú đưa thư và đồ lễ sang Xiêm. Vua Xiêm rất mừng đưa trả những con trai con gái đã bắt và triệu Trần Liên về. Bấy giờ thành lũy nhà cửa ở Hà Tiên đã bị quân Xiêm tàn phá gần hết. Thiên Tứ bèn lưu lại trấn giang, sai con là Hoàng về trấn trước để sửa sang”.
Chỉ dụ của Chúa Nguyễn về đổi, phân chia dinh, trấn và mộ dân lập ấp.
Miệt Hậu Giang được khai phá mạnh mẽ phải kể đến giai đoạn 1735-1780, khi Mạc Thiên Tích nối nghiệp cha tiếp tục khẩn hoang, thành lập dinh Long Hồ, gồm Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Di và Trấn Giang (Hậu Giang - Cần Thơ), biến miệt sông nước Hậu Giang thành nơi phồn vinh bậc nhất bán đảo Đông Nam Á thời bấy giờ. Năm 1813, vua Gia Long lập huyện Vĩnh Định, bao gồm địa bàn Cần Thơ - Hậu Giang ngày nay, trên cơ sở phần đất miệt Hậu Giang gồm 37 thôn ấp, cắt cử quan tri huyện cai trị… Trong tài liệu triển lãm, có trưng bày chỉ dụ của Vua Gia Long về đổi dinh Vĩnh Trấn thành trấn Vĩnh Thanh vào năm 1808, tiến đến lập huyện Vĩnh Định.
Sau thời kỳ đó, đến giai đoạn chịu sự xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến phong trào đấu tranh kháng Pháp của Nhân dân Hậu Giang trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; phong trào đấu tranh giành độc lập của quân và dân Hậu Giang dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ… Và cả giai đoạn từ năm 1975 đến nay, một giai đoạn Hậu Giang như bao tỉnh, thành khác, vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa xây dựng và phát triển, để đến hôm nay có được một Hậu Giang ngày một phát triển, sánh vai cùng bè bạn… đã hiển hiện cụ thể qua hình ảnh.
Tất cả còn lưu lại qua những tư liệu quý giá, qua các chiếu, chỉ dụ của Chúa Nguyễn về lập thị trấn, huyện, mộ dân lập ấp; tuyên bố ngày 15-6-1867 của Chuẩn đô đốc, Thống đốc Nam kỳ về việc chiếm đóng Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên; nghị định của Chuẩn đô đốc, Thống đốc Nam kỳ về việc phân chia Nam kỳ thành 4 khu hành chính…; bản đồ Rạch Giá - Cần Thơ thời Pháp thuộc; tranh minh họa thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại Cờ Đỏ vào năm 1929; báo cáo của tỉnh Chương Thiện về Khu trù mật; hình ảnh quân giải phóng tiến về giải phóng Cần Thơ, chiếm sân bay Hậu Giang, đồng chí Trần Nam Phú kéo cờ giải phóng trước dinh Tỉnh trưởng Chương Thiện…
Tranh minh họa thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Cờ Đỏ năm 1929.
Tất cả như đưa người xem trở về với cội nguồn dân tộc, hiện lên như những thước phim đầy màu sắc, cảm nhận được mảnh đất này có một quá trình hình thành và phát triển dày dặn, thể hiện qua kho tư liệu, hình ảnh, bản đồ phong phú, sống động. Qua đó, thấy được quá khứ của một thời hào hùng, sức mạnh từ sự chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang vượt khó vươn lên…
Để tư liệu không ngủ yên…
Không phải tự nhiên là triển lãm quý giá “Hậu Giang xưa và nay qua tài liệu lưu trữ” được thực hiện gấp rút và hoàn tất như món quà ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV nhiệm, kỳ 2020-2025. Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, chia sẻ: Vì mối lương duyên mà tổ chức triển lãm này, hơn 400 tư liệu, hình ảnh từ hơn trăm năm trước đã được tập hợp, xử lý từng công đoạn để có được một bộ ảnh tư liệu triển lãm. Tài liệu trưng bày gồm ảnh, bản đồ, các văn bản hành chính, bản vẽ kỹ thuật được sưu tập và hoàn chỉnh. Trong đó, có khá nhiều tài liệu quý, lần đầu mọi người được nhìn thấy. Nếu không có triển lãm, những hình ảnh đó mãi nằm trong kho tư liệu.
Sắc lệnh của Chính quyền Sài Gòn về việc thành lập tỉnh Chương Thiện và Bản đồ tỉnh Chương Thiện năm 1961.
Làm công tác thuyết minh được vài năm, niềm vui đồng thời gắn với nỗi lo của thuyết minh viên Lê Thị Thu Hà, Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, là điều hiển nhiên. Chị chia sẻ: “Học chuyên ngành Việt Nam học, được thấy dấu tích của quê hương mình qua quá trình hình thành hơn 300 năm là điều không tưởng. Nhưng khi được giao thuyết minh, tôi thật sự lo lắng, sợ mình không thể tải hết những điều quý giá từ lịch sử…”. Bằng lòng tự hào của người Hậu Giang về truyền thống lịch sử của cha ông, chị Thu Hà quyết tâm phải làm thật tốt, không chỉ bám sát tài liệu, mà còn nghiên cứu, tìm hiểu để thêm những thông tin lịch sử, những câu chuyện kể về vùng đất Vị Thanh xưa, vào bài thuyết minh, góp phần tô đậm thêm sắc màu cho miền quê yêu dấu.
Có được tài liệu quý, Hậu Giang tiếp tục phát huy bằng cách không chỉ lưu trữ, mà còn tổ chức triển lãm tại các địa phương, in thành sách, để phục vụ Nhân dân. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Đa phần những tài liệu được triển lãm là lần đầu mọi người nhìn thấy. Nó minh chứng cho lịch sử hàng trăm năm của Hậu Giang và Hậu Giang sẽ phát huy giá trị lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Đây còn là nguồn tài liệu lịch sử quý giá để mọi người nghiên cứu, học tập, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, để cùng ra sức học tập, lao động, xây dựng quê hương Hậu Giang thêm giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với cha ông ta đã bỏ bao công sức khai hoang, lập đất”.
***Câu chuyện lịch sử hôm qua và trách nhiệm mỗi người con Hậu Giang hôm nay là điều mà mọi người phải suy nghĩ. Một truyền thống hào hùng, bất khuất của bao lớp người đi trước sẽ là sức mạnh, niềm tin để thế hệ hôm nay ra sức học tập, cống hiến, góp sức xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng phát triển, hòa vào dòng chảy của cả nước.
Ảnh về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2004-2020.
Nguồn tư liệu lịch sử quý giá
Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Đa phần những tài liệu được triển lãm là lần đầu mọi người nhìn thấy. Nó minh chứng cho lịch sử hàng trăm năm của Hậu Giang và tỉnh sẽ phát huy giá trị lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc của mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Đây còn là nguồn tài liệu lịch sử quý giá để mọi người nghiên cứu, học tập, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc, để cùng ra sức học tập, lao động, xây dựng quê hương Hậu Giang thêm giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với ông cha ta thuở trước”. |
Chưa có nhiều tỉnh, thành được thực hiện triển lãm
- Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, cho biết, đơn vị đã phối hợp tổ chức triển lãm ở một số tỉnh, thành: Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang. Những di sản, tư liệu quý được chọn lọc, giúp người xem tiếp cận nguồn tư liệu lịch sử chính thống, giúp ích cho việc tìm hiểu, nghiên cứu, học tập. - Qua những dấu tích xưa cũ, mọi người cùng trở về miền đất Hậu Giang xưa, kể từ khi Mạc Thiên Tích bước chân đến vùng sông Cái Lớn, Cái Bé đã được khai thác gần 300 năm. So với nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, đây là vùng đất trũng nhất, được khai thác sau cùng... |
THẢO HƯƠNG