【link vào zbet】Ðề cao an toàn thực phẩm

Báo Cà Mau(CMO) Ðóng vai trò quan trọng trong việc mua, bán, lựa chọn thực phẩm cho gia đình, việc tuyên truyền của các cấp Hội LHPN về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn góp phần thay đổi nhận thức của chính hội viên, phụ nữ với mục tiêu vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Hội LHPN TP Cà Mau chỉ đạo Hội LHPN cơ sở tổ chức tuyên truyền đến từng hội viên, phụ nữ thông qua các cuộc họp chi, tổ hội. Ðồng thời, lồng ghép tuyên truyền nội dung sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng với các tiêu chí kinh tế tập thể, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, phường đô thị văn minh.

Thông qua các buổi hội thảo, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã lồng ghép tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ chung tay nói không với thực phẩm không an toàn.

Theo bà Lê Trúc Hương, Phó chủ tịch Hội LHPN TP Cà Mau, song song với công tác tuyên truyền, Hội LHPN TP Cà Mau chú trọng đến xây dựng mô hình điểm trong chế biến, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn TP Cà Mau đã có 18 mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm, với hơn 1.000 thành viên tham gia. Tiêu biểu như bếp ăn an toàn tại các trường mầm non, quán ăn uống hợp vệ sinh, tổ phụ nữ 2 dao 2 thớt, hợp tác xã cốm gạo, tổ làm cua thành phẩm, tổ trồng rau sạch VietGAP… “Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm góp phần tạo ra những sản phẩm sạch, nâng cao giá trị cạnh tranh và đây cũng sẽ là tiền đề để thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn TP Cà Mau”, bà Lê Trúc Hương cho biết thêm.

Thực hiện Chương trình phối hợp 526 (Chương trình phối hợp 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 3/11/2017 về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng giai đoạn 2017-2020) với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với những hoạt động thiết thực của các cấp Hội LHPN tỉnh Cà Mau giúp hội viên, phụ nữ tạo được thói quen lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Từ năm 2018 đến nay, các cấp hội đã xây dựng trên 1.145 tổ phụ nữ, tổ hợp tác, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm với hơn 28.600 thành viên tham gia. Từ những mô hình này đã giúp chị em và người dân nâng cao nhận thức, tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn, nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

“Bếp ăn an toàn tại các trường mầm non” được Hội LHPN các cấp xây dựng trở thành những mô hình điểm trong chế biến, sản xuất, tiêu dùng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thông qua các buổi tuyên truyền của hội, chị Trần Thu Trang, HTX bánh phồng tôm xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn hiểu hơn về vai trò của an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo chị Trang, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm được chú trọng; kiến thức, sự hiểu biết của người dân về vấn đề bảo đảm sức khoẻ được nâng lên nên các nhà sản xuất, kinh doanh hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm làm ra. Do đó, để đảm bảo được vị trí trên thị trường, HTX bánh phồng tôm luôn đặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, từ đó mới tạo được niềm tin nơi khách hàng.

“Với mục đích cuối cùng là vì sức khoẻ cộng đồng, HTX bánh phồng tôm xã Hàng Vịnh sẽ sản xuất thực phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm có thể vươn xa hơn nữa ở cả thị trường trong và ngoài nước”, chị Trần Thu Trang cho biết thêm.

Tại hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phối hợp số 526, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nhấn mạnh: Phụ nữ ở Cà Mau hiện nay chiếm 49,95% dân số, với vai trò là người nội trợ trong gia đình, chị em phụ nữ hãy là người tiêu dùng thông thái, tiếp tục phát huy tốt vị trí của mình trong sản xuất sạch, chế biến sạch và tiêu dùng sạch, bảo vệ sức khoẻ cho người thân, gia đình và xã hội. Song song đó, tăng cường tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các ngành chức năng, các cơ quan đoàn thể các cấp nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Cơ sở sản xuất, kinh doanh hiểu được việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của chính đơn vị. Ðồng thời, làm cho người tiêu dùng thông thái hơn và cùng tham gia tích cực vào việc loại bỏ sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.

 

Phương Lài