Bài cuối:
ÐỂ DI SẢN VĂN HÓA TRƯỜNG TỒN
BPO - Với nỗ lực của các cấp,ữbảnsắcvănhoacuteadacircntộkết quả bóng đá han quoc ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh, đến nay, Bình Phước có 7 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 25 di sản phi vật thể cấp tỉnh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xu thế hội nhập hóa, quốc tế hóa, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc dần bị mai một. Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp và cả cộng đồng xã hội, trong đó tuổi trẻ giữ vai trò quan trọng.
Trao truyền từ hai phía
Những ngày này, khi việc thu hoạch mùa màng, chăm sóc nương rẫy đã hoàn thành, các cô, các chị trong Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng lại bày ra khung dệt, chỉ dạy nhau cách dệt hoa văn trên thổ cẩm truyền thống. Thành lập từ năm 2006 dưới sự quản lý của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thọ Sơn, đến nay CLB dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa đã trở thành nơi tập hợp các thành viên yêu thích nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người M’nông tại huyện Bù Đăng. Việc truyền dạy nghề dệt truyền thống cho lớp trẻ M’nông đang được các thành viên CLB tích cực thực hiện. Tháng 5-2023, nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm của người M’nông tại Bù Đăng được công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đạt được dấu mốc quan trọng này, có công không nhỏ của các chị, các mẹ trong CLB.
Các thành viên CLB dệt thổ cẩm thôn Sơn Hòa, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng chỉ dạy nhau cách dệt vải, giữ gìn nghề thủ công truyền thống dân tộc mình
Nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm vui, vinh dự lớn đối với cộng đồng người M’nông, thế nhưng chị Thị Mai Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sơn Hòa vẫn trăn trở: “Lớp người đi trước ngày càng già yếu và dần mất đi. Lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người mặn mà với nghề dệt truyền thống của dân tộc mình nữa. Hoa văn, màu sắc của thổ cẩm rất phức tạp, nhiều hình tượng. Tất cả lại được chỉ dạy bằng cách truyền miệng, trực tiếp nên rất khó nhớ nếu chỉ dựa vào năng khiếu người học. Trong CLB hiện nay, chúng tôi đang chỉ dạy cho các chị và những em nhỏ M’nông, nhưng việc học tập rất chậm”.
Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Ðiểu Ong, huyện Bù Ðăng học đánh cồng, chiêng
Chung niềm lo lắng, già làng Điểu Phun ở xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh cho biết: Thanh niên bây giờ ít người say mê với tiếng cồng, tiếng chiêng như mình hồi xưa. Xã hội hiện đại có nhiều trò chơi, thú vui giải trí nên thanh niên không thực sự để tâm vào học các phong tục, lễ hội của người S’tiêng. 2 năm nay, trong thôn thành lập được nhóm thanh niên để học đánh cồng, chiêng nên chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện được người nổi bật, cảm nhận được “cái hồn” trong điệu cồng, chiêng của dân tộc mình. Nếu không có “hạt giống tốt” kế thừa di sản văn hóa của ông cha thì giới trẻ sẽ quên các phong tục, tập quán, lễ hội của dân tộc.
Sản phẩm thổ cẩm của đồng bào S’tiêng được trưng bày tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Ðăng
Nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc; giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc là những vấn đề mà các nhà văn hóa đã nêu rất nhiều lần tại hội thảo, diễn đàn về văn hóa trong những năm qua. Bên lề Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước diễn ra vào tháng 8-2023, Thạc sĩ Phạm Hữu Hiến, giảng viên Trường đại học Bình Dương chia sẻ: Văn hóa chính là của cộng đồng, sinh ra và phục vụ cộng đồng. Do vậy, cần nâng cao nhận thức của chính cộng đồng các dân tộc để người đi trước trao truyền lại cho thế hệ sau và thế hệ sau phải có nhận thức sẵn sàng tiếp nhận. Phải có sự trao truyền từ hai phía thì mới không làm mai một bản sắc văn hóa các dân tộc.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là món ăn tinh thần, là niềm tự hào của mỗi tộc người. Văn hóa giúp con người xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, từ đó phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn. Đây chính là nền tảng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế như hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc càng phải được khẳng định, phát huy hơn nữa và gắn với trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Khách du lịch lựa chọn sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng
Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Về phía cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chúng tôi cho rằng vai trò của thế hệ trẻ trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc rất quan trọng. Để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền trong nhà trường, các đội, nhóm, CLB thanh niên… để các bạn nhận thức rõ, từ đó thêm hiểu, thêm yêu văn hóa dân tộc mình. Đồng thời, chúng tôi tập trung số hóa các giá trị văn hóa để có thể chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến, qua đó người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin. Chỉ khi hiểu, yêu quý những giá trị văn hóa dân tộc mình thì người trẻ mới gắn bó, gìn giữ để di sản văn hóa của ông cha mãi lưu truyền.
Phải phát huy được vai trò của thanh niên trong phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khi các bạn trẻ tham gia đội múa cồng, chiêng, biểu diễn cho du khách; biết cách chế biến rượu cần, dệt vải thổ cẩm, có nguồn thu nhập cao từ các sản phẩm du lịch thì họ sẽ là nhân tố phát huy tốt nhất giá trị bản sắc văn hóa dân tộc mình. Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn hóa, nhà sử học |
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một trong những tư tưởng xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng ta từ ngày thành lập: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của di sản văn hóa Việt Nam: “Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta”.