Thông tin về kết quả xử lý 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Công thương cho biết, sau gần 2 năm xử lý, hiện nay 12 dự án đều có chuyển biến tích cực. "Sau 2 năm vận hành lại, tổng dư nợ trung và dài hạn của các dự án đều giảm, theo thống kê đã giảm được 124 tỷ đồng so với thời điểm 31/1/2018. Việc xử lý các dự án đảm bảo đúng quy định, quy tắc và thu hồi về cho ngân sách 1.000 tỷ đồng chưa tính lãi".
Cụ thể, ông Hưng cho hay, đối với 6 dự án sản xuất kinh doanh thua lỗ, đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động ổn định và có lãi. Đó là: DAP1 Đình Vũ (Hải Phòng), trong 8 tháng đầu năm 2018 đã có lãi 147,68 tỷ đồng; dự án Nhà máy thép Việt Trung đã có lãi 527,4 tỷ đồng. Còn lại 4 dự án hiện đã có phương án tiết giảm chi phí, tổ chức lại sản xuất nên số lỗ đã giảm dần.
"Nhiều dự án trước đây như Đạm Ninh Bình, DAP 2 đã vận hành trở lại một số dây chuyền sản xuất. Mục tiêu trong năm 2018 là cơ bản giải quyết khó khăn, vướng mắc và dứt điểm vào năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản việc xử lý thua lỗ” - ông Hưng cho biết thêm.
Đối với nhóm 3 nhà máy được đầu tư lớn là PVTEX Đình Vũ, nhiên liệu sinh học Dung Quất và nhiên liệu sinh học Bình Dương thì từ tháng 4 vừa qua, một số dây chuyền sản xuất của PVTEX Đình Vũ đã đi vào sản xuất cho sản phẩm chất lượng tốt. Sắp tới, PVTEX sẽ tiếp tục vận hanh toàn bộ dây chuyền và nhà máy.
Hiện nay nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Bình Dương và Giấy Phương Nam đã chuẩn bị sẵn sàng khởi động khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Tuy nhiên, ông Hưng cũng cho biết, các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công thương đã gặp phải nhiều nhiều khó khăn, phức tạp trong việc xử lý 12 dự án, nhất là nhóm vấn đề liên quan tới việc xử lý các tranh chấp tại các hợp đồng EPC ở nhiều dự án. Đến nay vẫn còn 8 dự án đang có vướng mắc liên quan đến hợp đồng này.
Tại họp báo, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đã thông tin cụ thể về "vụ việc Con Cưng". Ông Linh cho hay, ngày 16/10 vừa qua, Bộ Công thương đã có báo cáo Chính phủ tổng thể về vụ việc này.
Còn về vấn đề liên quan đến việc xử lý vi phạm kỷ luật với một số cá nhân lãnh đạo cục quản lý thị trường thì hiện Bộ Công thương vẫn đang lấy ý kiến các bên. Sau khi có ý kiến bộ mới ban hành quyết định kỷ luật và sẽ thông tin kịp thời về hình thức kỷ luật cụ thể.
Trả lời phóng viên về vấn đề giá xăng tăng mạnh trong lần điều chỉnh ngày 6/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu năm 2018 đến đến tháng 9, liên Bộ Công thương - Tài chính đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu. Trong đó có 2 lần điều chỉnh giảm, 10 lần giữ ổn định giá và 6 lần điều chỉnh tăng giá. Liên Bộ Tài chính – Công thương đã phải trích quỹ bình ổn, tổng cộng là hơn 18.000 đồng/lít để giữ ổn định giá xăng dầu tổng cộng 10 lần giữ giá ổn định. Tính đến 25/9, liên bộ đã chi 5.500 tỷ đồng quỹ bình ổn. Hiện còn 3.100 tỷ đồng. Theo đại diện Bộ Công thương, do vừa rồi giá xăng dầu thế giới tăng cao nên đã quyết định ngừng trích quỹ 300 đồng, đồng thời chi sử dụng quỹ bình ổn. Trên thực tế, giá xăng đáng lẽ phải tăng hơn 1.000 đồng. |
Tố Uyên