Nghị định làm khó cho doanh nghiệp (DN)
Nhiều ý kiến,địnhmuốităngcườbdtl anh kiến nghị sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/01/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định 09) được đưa ra tại hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm”, vừa được Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, tại Nghị định 09 quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt”.
Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy định này, một số loại thực phẩm không thể sử dụng muối I-ốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến (do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị… không bằng so với việc sử dụng muối thường - không bổ sung i-ốt). Do đó, DN chế biến thực phẩm gặp phải rất nhiều bất cập trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.
Bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch FFA cho biết, hiện nay đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong ngành chế biến thực phẩm, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị định 09 (nhất là việc tăng cường i-ốt).
Bên cạnh đó, khi thực hiện quy định bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm, DN cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập khẩu nguyên liệu (khi các DN nhập khẩu đề nghị đối tác bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm thì không được chấp thuận) và tại một số thị trường xuất khẩu, khách hàng sẽ từ chối một số sản phẩm có bổ sung i-ốt và sản phẩm làm từ bột mỳ có bổ sung sắt, kẽm… dẫn đến ảnh hưởng mạnh đến doanh số, lợi nhuận của DN.
Cũng theo bà Lý Thị Kim Chi, thời gian qua FFA cùng với các hội ngành nghề liên quan đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này bằng văn bản và thông qua các buổi làm việc trực tiếp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ mong muốn, cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, tồn tại ngay cho DN ngành chế biến thực phẩm.
Cần tạo thuận lợi cho DN
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chỉ ra những bất cập về sử dụng muối có bổ sung i-ốt trong chế biến thực phẩm (nhất là trong chế biến thủy sản) như: gây biến màu, biến mùi, mất khả năng chống ôxi hóa… hoặc nhiều sản phẩm có sẵn i-ốt (thủy sản) thì không cần sử dụng muối có i-ốt làm tăng giá chi phí sản xuất và tạo hàm lượng i-ốt cao trong sản phẩm…
Ông Nam đưa ra đề nghị, chỉ khuyến khích (không bắt buộc) DN sản xuất thực phẩm phải tăng cường muối i-ốt, bắt buộc bổ sung i-ốt trong các sản phẩm như gia vị, hạt nêm…
Ngoài ra, nhiều tham luận, báo các đánh giá tác động của việc bổ sung i-ốt và vi chất dinh dưỡng vào chế biến thực phẩm cũng được đại diện của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ bột mỳ, Hội Nước mắm Phú Quốc… đưa ra nhằm đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế tháo gỡ triệt để khó khăn cho DN, các hội ngành nghề và cộng đồng DN thực phẩm để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Một số ý kiến cũng đề xuất, nhằm tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung của DN và nền kinh tế, Chính phủ cần có cơ chế xử phạt phù hợp đối với những cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.
Đặc biệt, đảm bảo hài hòa việc người dân nhận được đầy đủ dưỡng chất, mà không gây khó khăn cho DN ngành chế biến thực phẩm nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế nói chung, các hiệp hội và cộng đồng do DN đề xuất Bộ Y tế chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì phải yêu cầu bắt buộc theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018.
Vũ Lê