GDP năm 2015 dự kiến đạt 6,ămKhởiđầuthuậnlợkết quả bốc thăm cúp c21%
Theo nhận xét của HSBC, nhìn thoáng qua năm 2015 có thể được coi là một năm khó khăn khi nhu cầu thế giới chậm lại mà Việt Nam lại là quốc gia chú trọng xuất khẩu. Giá dầu giảm cũng hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng của Việt Nam. Nhu cầu trong nước vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu cao của ngân hàng và sự bảo thủ của lĩnh vực tư nhân.
Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn thì nền kinh tế sẽ đạt mức tăng mạnh trong năm 2015. HSBC dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng 6,1% so với mức 6% trong năm 2014. Nhu cầu thấp và giá cả hàng hóa yếu chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu nguyên vật liệu thô của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế và cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đã ngày càng đa dạng hơn, ít phụ thuộc vào các mặt hàng nguyên liệu thô mà phụ thuộc vào ngành sản xuất nhiều hơn.
Trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút 12,4 tỷ USD của nguồn vốn FDI được giải ngân và 20,2 tỷ USD của nguồn vốn đăng ký FDI. Hầu hết các hoạt động đầu tư đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0%. Đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8% trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1 % trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2015, giá trị xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tăng 12%.
Tăng trưởng sản xuất thúc đẩy cải thiện cơ sở hạ tầng
Bên cạnh nguyên nhân chính là khả năng cạnh tranh của chi phí lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng cũng là yếu tố quan trọng. Việt Nam đang cải thiện mạng lưới kết nối với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị để xây dựng đường giao thông và mở rộng các thỏa thuận hợp tác thương mại tự do. Điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp khác như giao thông vận tải. Ba lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong năm 2014 chính là: khí đốt và điện (tăng 12,1%), thông tin và truyền thông (tăng 9,1%), và sản xuất (tăng 8,5%).
Tăng trưởng lĩnh vực sản xuất đang có hiệu ứng cấp nhân đối với nền kinh tế và đòi hỏi hoàn thiện hệ thống vận tải và hệ thống năng lượng. Việt Nam đứng sau Thái Lan trong bảng xếp hạng về cơ sở hạ tầng nhưng ở trên Philippines và Indonesia. Trong những năm gần đây, Chính phủ cũng đã chú trọng hơn trong việc giảm thiểu những khó khăn đối với các nhu cầu về cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như dần tự do hoá các lĩnh vực đang cần đầu tư. Sự phát triển của ngành sản xuất nhờ vào giá nhân công lao động rẻ cũng đòi hỏi phải đầu tư vào ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Thông qua việc cải thiện hệ thống đường quốc lộ đến cảng sân bay, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng đang trong quá trình chuẩn bị chủ yếu dựa vào nhu cầu nhiều hơn so với thập niên trước. Ngày 31/12/2014, nhà ga thứ hai của sân bay Nội Bài đã được khai trương. Nhà ga mới sẽ khai thác thêm 15 triệu hành khách và hỗ trợ nhu cầu ngày càng tăng của việc vận chuyển hàng hoá đường không. Nhiều dự án khác được hoàn thành trong năm 2015 và 2016 cũng sẽ hỗ trợ cho việc kết nối.
Tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án hạ tầng
Mặc dù không dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những năm tới nhưng HSBC cho rằng trong ngắn hạn nền kinh tế sẽ tươi sáng hơn. Cùng với nhu cầu nước ngoài đối với hàng hoá Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu trong nước cũng dần phục hồi trong năm 2015 và 2016.
Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều nguy cơ khó khăn đối với nền kinh tế trong cả ngắn hạn và trung hạn. Việc cấp vốn cho các dự án hạ tầng được coi là một mối lo ngại thực sự. Theo HSBC, khi doanh thu tài chính từ dầu mỏ giảm trong năm 2015 sẽ kéo theo tổng thu ngân sách của cả nước giảm theo. Phạm vi để cắt giảm chi tiêu là hạn chế khi các nhu cầu xã hội rất lớn và đầu tư nhiều hơn vào các dự án như đường giao thông là cần thiết.
Báo cáo cũng cho rằng, cùng với việc suy giảm nguồn thu tài chính, các dự án liên kết với các DN quốc doanh Trung Quốc cũng đang không còn mặn mà, thì Chính phủ cần phải tìm kiếm các cách thức để ký kết và hỗ trợ tài chính cho những dự án hạ tầng quan trọng. Có thể là khai thác thị trường quốc tế, các tổ chức song phương và đa phương như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới, hay những nguồn kinh phí trong nước để tài trợ cho các dự án mới.
Về mặt trung hạn, Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề về kết nối khá hạn chế của các DN trong nước và DN nước ngoài, từ đó có chiến lược rõ ràng để nền kinh tế có thể cạnh tranh khi yếu tố cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ không còn nữa. Nền kinh tế có phát triển trong những năm tới hay không sẽ phụ thuộc vào chiến lược mà Chính phủ sẽ áp dụng trong ngắn hạn nhằm hệ thống hoá và xây dựng năng lực./.
Hoàng Yến