Ngày 6/12, tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội (HĐND TP) dành một ngày để chất vấn các thành viên UBND TP về các vấn đề "nóng" được các đại biểu và cử tri quan tâm, đó là 2 nhóm vấn đề quản lý đô thị và kinh tế.
Gần 500 công trình xây dựng vi phạm chưa được xử lý dứt điểm
Liên quan đến vấn đề quản lý trật tự xây dựng, các đại biểu cho rằng, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều vi phạm tồn tại, chưa được giải quyết, xử lý triệt để. Đến nay, 154 công trình vi phạm của năm 2015, 2016 và 345 công trình mới của năm 2017 chưa được xử lý dứt điểm, tập trung nhiều ở một số địa phương và ở các quận huyện như Sóc Sơn, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… Các đại biểu đề nghị thành phố làm rõ vấn đề này và có giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để.
Theo ông Dục, trong năm 2017, Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra được 100% công trình xây dựng có địa chỉ, thời gian cụ thể. Đến 30/10/2017, đã kiểm tra được 17.123 công trình, trong đó, vẫn có 345 công trình vi phạm. Đối với 345 trường hợp này, thanh tra xây dựng đã hoàn thiện các hồ sơ, gửi cho từng phương án gửi cho chính quyền địa phương và đã xử lý vi phạm được 70%. Đồng thời, đã ban hành được các kế hoạch cưỡng chế, tổ chức tháo dỡ…; xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị chính quyền, thanh tra xây dựng, Sở Xây dựng.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho biết, mặc dù hy vọng sẽ giải quyết triệt để các vi phạm trật tự xây dựng nhưng trên thực tế những tồn đọng vẫn còn kéo dài. Sở sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, giải pháp quy hoạch cấp phép xây dựng…
"Đối với 300-400 trường hợp phát sinh mới trong năm 2017, trong đó 50% đã có kết luận cưỡng chế thì sẽ kiên quyết thực hiện ngay chứ không để đến 2018. Sở cũng phấn đấu nếu có đủ điều kiện thực hiện sẽ giải quyết nốt 345 trường hợp trong năm 2017", ông Dục cho biết.
Theo ông Lê Văn Dục, Sở Xây dựng sẽ cùng Sở Nội vụ thực hiện thí điểm đội ngũ thanh tra xây dựng trên địa bàn. "Chúng tôi cố gắng hoàn chỉnh trong tháng 12/2017 xây dựng quy chế phối hợp cho rõ ràng, rõ trách nhiệm, rõ đơn vị. Phấn đấu không để xảy ra những vi phạm nổi cộm bức xúc, khó giải quyết", ông Dục khẳng định.
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn |
Vẫn tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo "treo"
Liên quan về các vi phạm nhà siêu mỏng, siêu méo, các đại biểu cũng nêu vấn đề, hiện nay vẫn còn nhiều quận chưa xử lý dứt điểm các tồn tại cũ và để phát sinh các vi phạm mới trong xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp xử lý như thế nào?
Đối với vấn đề này, ông Dục cũng cho rằng nguyên nhân nhà siêu mỏng, siêu méo là do khi mở đường qua các khu dân cư thì đương nhiên cắt vào nhà dân, hình thành những thửa đất có hình thù không đủ điều kiện xây dựng.
"Chúng tôi chia ra 3 nhóm: Với nhóm 132 công trình siêu mỏng siêu méo tồn tại gần năm như trên các trục đường Kim Mã – Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn - Văn Cao, Thanh Nhàn…, nếu cứ để tồn tại sẽ có thể trở thành “siêu mỏng siêu méo treo”. Trong năm 2017, Sở đã rất cố gắng nhưng chỉ giải quyết được 16 trường hợp.
Với 54 trường hợp rất phản cảm, cao lênh khênh như ở Đào Tấn..., Sở sẽ đề xuất kiên quyết thu hồi. Với 18 trường hợp khác, UBND các quận này cũng phải mạnh dạn đề xuất cùng các sở để tham mưu trình UBND TP để chỉnh trang, và chủ nhà cũng chấp nhận được. Với 5-6 trường hợp chỉ có diện tích 5-10m2 và so với ngưỡng còn thiếu 5-10m2 thì kiên quyết thu hồi", ông Dục nêu rõ.
Trả lời cụ thể về lộ trình xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, ông Lê Văn Dục cho biết: "Trong quý I/2018, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu trình thành phố phương án xử lý từng trường hợp siêu mỏng, siêu méo. Riêng 8 trường hợp vi phạm hai bên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Sở và các cơ quan liên quan có phương án xử lý ngay trong tháng 12/2017 này", ông Dục nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Phúc Nguyên