Dự thảo gồm 5 chương và 64 điều, trong đó, nội dung đáng chú ý nằm ở Chương II, bao quát toàn bộ quy trình từ lập kế hoạch đến thẩm định, phê duyệt và giao kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm theo các nguyên tắc, điều kiện lựa chọn danh mục chương trình, dự án đầu tư theo từng nguồn vốn cụ thể.
Đồng thời chương này cũng bao gồm các quy định về trình tự lập, thẩm định và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm được quy định theo phân cấp cụ thể cho các bộ, ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương.
Khắc phục vốn dàn trải, kéo dài
Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn phải là những chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để thực hiện và tuân thủ quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị định đã thể hiện rất rõ ràng, cụ thể sự phù hợp giữa kế hoạch đầu tư công với cân đối NSNN. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì dự kiến cân đối thu chi ngân sách nhà nước, cơ cấu chi NSNN, trái phiếu Chính phủ,... tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong cả quá trình lập, triển khai thực hiện, theo dõi, đánh giá kế hoạch,...
Việc quy định cụ thể, chi tiết việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công bảo đảm việc bố trí vốn được rõ ràng, khắc phục tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, tránh thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Thời gian bố trí vốn hoàn thành dự án được thực hiện theo đúng tiến độ do cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng đối với dự án nhóm B, nhóm C, để khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện, dự thảo quy định thời gian bố trí vốn tối đa để hoàn thành dự án như sau: dự án nhóm B có tổng mức đầu tư đầu tư dưới 800 tỷ đồng không quá 5 năm, dự án nhóm B có tổng mức đầu tư từ 800 tỷ đồng đến dưới 2.300 tỷ đồng không quá 8 năm và tối đa không quá 3 năm đối với các dự án nhóm C.
Liên quan đến quy định này, tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ được gửi kèm dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể trong Nghị định mức vốn tối thiểu bố trí cho các dự án trong năm đầu tiên tương tự như quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg. Theo đó: nhóm A (tối thiểu 15% so với tổng mức đầu tư), nhóm B (tối thiểu 20%), nhóm c (tối thiểu 35%) để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.
Giải trình với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, việc quy định mức vốn tối thiểu cho các dự án khởi công mới trong năm đầu tiên là nhằm tăng cường quản lý, làm tốt khâu chuẩn bị dự án để triển khai thực hiện được ngay khi đưa vào kế hoạch đầu tư, bảo đảm việc bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải, phân tán.
Tuy nhiên, trên thực tế trong năm đầu thực hiện dự án, một số dự án do nhiều nguyên nhân khách quan như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện dự án,... nên nhiều dự án trong năm đầu tiên bố trí mức vốn kế hoạch theo tỷ lệ nêu trên, không có khả năng thực hiện.
Mặt khác, các năm trước do chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên không rõ khả năng cân đối vốn cho các dự án các năm sau có bảo đảm tiến độ như đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không? Nên yêu cầu bố trí vốn cho các dự án trong năm đầu tiên theo tỷ lệ nêu trên là cần thiết.
Còn hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư công, việc cân đối bố trí được thực hiện theo kế hoạch đầu tư công trung hạn phải bảo đảm bố trí đủ theo tiến độ và thời gian quy định, thì quy định việc bố trí vốn kế hoạch hằng năm cho các dự án phải phù hợp với tiến độ thực hiện đã được cấp có thẩm quyền quyết định, nên sẽ khó có thể xảy ra tình trạng bố trí vốn dàn trải, manh mún như trước kia.
Do đó, dự thảo Nghị định chỉ quy định: "Dự án khởi công mới bổ trí đủ vốn theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong năm đầu thực hiện dự án".
Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết 31/12 năm sau
Cũng theo quy định tại dự thảo Nghị định, chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền quyết định và giao kế hoạch. Dự án khởi công mới chỉ được bố trí vốn khi hoàn chỉnh đủ các thủ tục đầu tư theo quy định (đến ngày 31 tháng 10 năm trước năm kế hoạch phải phê duyệt quyết định đầu tư).
Các dự án cần thiết phát sinh trong kế hoạch đầu tư hằng năm được bổ sung vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn và bố trí vốn từ nguồn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công hằng năm cho các dự án đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định và không vượt quá tổng mức kế hoạch đầu tư công trung hạn được cấp có thẩm quyền quyết định.
Riêng quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm được kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm sau trong dự thảo, Bộ Tư pháp đã có ý kiến cho rằng chưa bảo đảm đúng với quy định của Luật Đầu tư công, dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, quy định này không trái với Luật Đầu tư công. Các quy định trong Nghị định cũng không ảnh hưởng đến việc quyết toán NSNN hằng năm. Thực tế, trong thời gian vừa qua thực hiện theo Luật NSNN, hằng năm Thủ tướng Chính phủ đã cho phép nhiều dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch năm trước sang năm sau; cá biệt có một số dự án được phép kéo dài trên 1 năm. Quốc hội cũng cho phép chuyển nguồn số vốn kế hoạch này trong các báo cáo Quyết toán NSNN.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giữ nguyên thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch hằng năm như trong dự thảo Nghị định. Đồng thời, để quản lý chặt chẽ việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân, Bộ này cho biết đã bổ sung thêm vào dự thảo Nghị định các quy định về thẩm quyền quyết định cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; quy định rõ việc quyết toán các khoản vốn được phép kéo dài./.
Hoàng Lâm