Theo báo cáo tài chính quý I/2021 vừa công bố, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam(mã CK: DBC) ghi nhận doanh thu thuần nhích nhẹ 3,6% so với cùng kỳ lên mức 2.474 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp chỉ tăng 1,4% so với quý 1/2020 lên mức 628,5 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp ở mức 25,4%.
Nhờ tiết giảm lãi vay trong kỳ, chi phí tài chính giảm gần 41% xuống còn 50 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng hơn 12% lên 96,3 tỷ đồng và chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 84 tỷ đồng. Kết quả, Dabaco lãi ròng sau thuế 365 tỷ đồng, tăng gần 5% so với quý I/2020.
Dựa trên cơ sở giả định giá lợn hơi năm nay chỉ 50.800 đồng/kg, Dabaco lên kế hoạch kinh doanh tương đối thận trọng với mục tiêu doanh thu tăng 18% lên 15.439 tỷ đồng tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm 41% so với năm trước, xuống 827 tỷ đồng.
Âm dòng tiền kinh doanh vẫn "rót" tiền bất động sản
Tính đến cuối tháng 3/2021, tổng tài sản của Dabaco đã tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 10.506 tỷ đồng. Sự gia tăng chủ yếu do tồn kho tăng từ 3.345 tỷ đồng lên 3.735 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 84,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn dương 116 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Dabaco vẫn đang nuôi tham vọng triển khai hàng loạt dự án bất động sản, gồm dự án nhà ở Huyền Quang 2, Khu đô thị phía Tây thị trấn Hồ, Khu đô thị Đền Đô, Khu đô thị Dabaco - Vạn An, Khu đô thị Dabaco - Đình Bảng, Cụm công nghiệp làng nghề Khúc Xuyên, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nhà ở và dịch vụ xã Nhân Thắng (huyện Gia Bình - Bắc Ninh).
Thực tế, bất động sản ngốn tiền khá lớn trong dòng tiền lưu chuyển tại Dabaco trong năm qua. Bên cạnh hơn 148 tỷ đồng cho các dự án Lotus và chung cư Huyền Quang và trung tâm thương mại Đại Phúc, Dabaco còn chi 41 tỷ đồng cho các khoản chi phí xây dựng và các khoản bất động sản phải trả. Ngoài ra, công ty còn phải trả 161,3 tỷ đồng khoản tiền đặt cọc liên quan đến dự án Thuận Thành 2.
Trong khi đó, Dabaco vẫn đang cần tiền để đầu tư nhà máy, kho nguyên liệu, cảng để khép kín chuỗi giá trị sản xuất như Nhà máy phân bón hữu cơ Việt Nhật, Nhà máy thủy sản Nutreco, Nhà máy Nutreco Hà Tĩnh, kho nguyên liệu Hạp Lĩnh; cảng Dabaco giai đoạn 2…
Một phần thiếu hụt dòng tiền dường như đang được Dabaco bù đắp thông qua vay nợ. Theo đó, nợ vay tài chính tính đến cuối quý I/2021 đã tăng hơn 240 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 3.642 tỷ đồng, nâng tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này lên đến 5.977 tỷ đồng, chiếm gần 57% tổng tài sản.
Việc duy trì nợ vay ở mức cao khiến Dabaco phải gánh khoản lãi gần 48 tỷ đồng trong quý I/2021, ăn mòn đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp này. Năm ngoái, lãi vay cũng đã “ngốn” của Dabaco hơn 300 tỷ đồng.
Liên quan đến giao dịch nội bộ, HĐQT Dabaco mới đây đã đề xuất cho Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như Sokhông phải thực hiện thủ tục chào mua công khai khi mua cổ phiếu DBC để nâng tỷ lệ sở hữu của cá nhân và những người liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu) vượt mức 25%, 35%, 55%, 65% và 75% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tập đoàn.