Tay chân lấm lem, không mang dép, cậu bé Lê Chí Nhẫn (13 tuổi) cười tươi tắn, “Nghỉ học tụi con chỉ quẩn quanh ở xóm, chơi đủ thứ trò nhảy dây, chạy rượt… Có đứa cũng học bài, cũng có đứa đi lượm ve chai, phế liệu ở bên bãi rác, có đứa thì lượm đồ chơi để chơi…”.
Khi được hỏi trẻ con ở xóm có biết rửa tay bằng xà phòng và theo 6 bước hướng dẫn để phòng, chống dịch bệnh nCoV không, cô bé Trương Thị Quỳnh Anh gật đầu, trả lời hồn nhiên: “Là rửa sạch tay bằng nước. Nhưng mấy đứa này làm biếng lắm cô”.
Phó bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau Nguyễn Hồng Thắm hướng dẫn các bé đeo khẩu trang đúng cách, an toàn
Bà Lê Thị Nương (50 tuổi) lắc đầu cười, “Rửa tay bằng nước được là mừng. Chớ mấy đứa nhỏ ở đây ngày nào cũng chơi, chạy nhảy, cầm nắm đủ thứ chai nhựa, phế liệu được nhặt về từ bãi rác. Dép còn không chịu mang. La rầy cũng vậy, vì tụi nhỏ quen rồi. Còn đeo khẩu trang thì đi học hay đi đâu mới đeo. Kể cả người lớn, người già có nhắc họ cũng ráng đeo, chớ ai cũng than, đeo thở không nổi”.
Theo lời bà Nương, 37 hộ dân sống ở khu lưu cư thì hộ nào cũng sống mưu sinh nhờ bãi rác lân cận: lượm phế liệu, hoặc làm công nhân cho nhà máy xử lý rác. “Ai cũng quần quật cả ngày. Sáng từ 7-11 giờ, chiều từ 13-17 giờ. Nên dù tụi nhỏ đi học hay nghỉ học thì cũng tự chăm sóc nhau, theo kiểu đứa lớn trong xóm coi sóc đứa nhỏ. Hoặc người lớn nhà này coi sóc nhà kia”, bà Nương chia sẻ.
Vậy nên, chuyện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng… là điều mà tụi nhỏ tự biết, tự làm. Tất nhiên, gần 70 đứa trẻ ở đây, hầu hết là từ 2-15 tuổi, không phải đứa trẻ nào cũng ý thức được điều đó. Càng không thể biết cách rửa tay theo 6 bước để phòng, chống dịch bệnh nCoV, hay đeo khẩu trang thế nào là đúng cách, hoặc phải ăn chín, uống sôi… Ngay cả bà Nương cũng không nắm rõ, chỉ nghe hướng dẫn từ tivi, nghe người ta nói, cũng có nghe cán bộ tuyên truyền… nhưng mọi thứ còn mơ hồ.
Riêng vấn đề vệ sinh môi trường, khuôn viên khu xóm, nhà cửa thì chắc chỉ được mỗi cái chuyện nhà cửa sạch sẽ, còn xung quanh thì lúc nào cũng rác, những đống rác, đống phế liệu… bởi, đó là kế mưu sinh và họ đã quen như thế từ bấy lâu nay.
Cán bộ Tỉnh đoàn Cà Mau hướng dẫn trẻ nhỏ ở khu lưu cư 6 bước rửa tay để phòng, chống dịch bệnh nCoV
Vậy việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng thì sao? Bà Nương khẳng định: “Đến thời điểm này vẫn chưa có ai đến phun xịt gì hết”. Bà cho biết, hễ nhá nhem tối là khu lưu cư muỗi rất nhiều, đến nhang ung muỗi cũng “miễn dịch” với muỗi. Vậy mà tụi nhỏ cứ chơi đùa, ngứa thì sứt dầu là thôi.
“Con nít mà, bệnh thì uống thuốc, chứ đâu biết sợ. Có đứa chơi mệt quá lũi luôn vô mùng ngủ, tay chân để nguyên bụi bặm chẳng thèm rửa, cha mẹ tụi nhỏ cũng đâu có thời gian quan tâm nhiều mà nhắc nhở”, bà Lê Thị Biết lo ngại.
Chị Phạm Thị Hằng Ny, Công chức Văn hoá Xã hội phường Tân Xuyên cho biết, UBND phường đã có đề nghị Trung tâm Y tế Tp Cà Mau phun thuốc khử trùng toàn khu vực này nhưng do chưa có thuốc nên đến nay chỉ có thể tuyên truyền người dân ý thức tự giữ vệ sinh và thực hiện các bước phòng, chống dịch bệnh. Khẩu trang y tế cũng khan hiếm, nước rửa tay hiện cũng chỉ một vài hộ có, do đó rất cần sự hỗ trợ để người dân khu lưu cư nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với người già và trẻ nhỏ.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, sáng 7/2, Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp cùng đoàn thanh niên địa phương trực tiếp đến khu lưu cư hướng dẫn các bé và người lớn thực hiện 6 bước rửa tay, tặng và hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, đồng thời tuyên truyền người dân ý thức phòng, chống dịch bệnh nCoV.
Chị Nguyễn Hồng Thắm, Phó bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau chia sẻ, “Việc làm nhỏ với mong muốn giúp bà con phòng, chống dịch bệnh nCoV, bởi khu lưu cư sống gần bãi rác, nguy cơ nhiễm các loại dịch bệnh rất cao chứ không chỉ là nỗi lo dịch bệnh nCoV”.
Theo chị Nguyễn Hồng Thắm, tính đến thời điểm này, tuổi trẻ Cà Mau trên địa bàn đã thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, như phát khẩu trang miễn phí, hướng dẫn người dân rửa tay đúng cách, phát tờ rơi tuyên truyền… Thời gian tới, công tác này sẽ được duy trì thường xuyên ở những khu dân cư có đông người lao động thu nhập thấp, người nghèo, cơ nhỡ. Tuy nhiên, vấn đề lo ngại hiện nay chính là không có đủ khẩu trang y tế, nước rửa tay, thuốc khử khuẩn... để cấp phát miễn phí cho bà con.
Thiết nghĩ, việc phun thuốc tiêu độc, khử trùng môi trường, tại nhà các hộ dân đang sinh sống ở khu lưu cư phải được ưu tiên để phòng, chống các dịch bệnh. Chưa kể, trước tình hình dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, khó lường thì người dân sống ở khu lưu cư rất gần khu bãi rác lại càng cần được bảo vệ. Và người dân nơi đây thực sự cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội để trang bị mọi biện pháp bảo hộ, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này./.
Băng Thanh