【tỷ số ac milan hôm nay】Huy động các ngành, đoàn thể giúp người dân rừng tràm thoát nghèo

Báo Cà MauThoát nghèo, vươn lên khá, giàu từ mô hình trồng tràm thâm canh kết hợp trồng lúa, chuối, nuôi cá đồng, chăn nuôi heo… không còn là chuyện xa lạ đối với người dân Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.

Thoát nghèo, vươn lên khá, giàu từ mô hình trồng tràm thâm canh kết hợp trồng lúa, chuối, nuôi cá đồng, chăn nuôi heo… không còn là chuyện xa lạ đối với người dân Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Thế nhưng, hơn chục năm qua số hộ thoát nghèo vẫn còn khá hạn chế. Vì thế, việc bàn giải pháp, chọn mô hình hợp lý, huy động sức mạnh của các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao đời sống người dân dưới tán rừng tràm đã và đang được Huyện uỷ, UBND huyện U Minh triển khai quyết liệt.

Lợi nhuận cao từ tràm thâm canh

Năm 2004, thực hiện Dự án “Phục hồi rừng sau cháy” do Tổ chức JICA (Nhật Bản) hỗ trợ, Bí thư Chi bộ Ấp 14 Trần Việt Hồng cùng 39 hộ dân được đầu tư khoanh bao khuôn hộ, kê liếp trồng tràm thâm canh. Sau 5 năm thực hiện dự án, năng suất cây tràm tăng gấp đôi, thu nhập từ cây chuối, con cá đồng, nhất là vụ lúa đã mở đường thoát nghèo cho người dân.

Ông Trần Việt Hồng nhớ lại: "Hơn chục năm loay hoay với cây tràm quảng canh, sản xuất theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ sau ăn chia thấp nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Khi được hỗ trợ cuốc liếp khuôn hộ, trồng tràm thâm canh, tận dụng đất bờ trồng chuối, nuôi cá đồng, trồng lúa 2 vụ nên gia đình tôi mới có cơ hội thoát nghèo. Bình quân thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng".

Trồng tràm, chuối, lúa, nuôi cá đồng giúp gia đình Bí thư chi bộ Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh Trần Việt Hồng vươn lên khá giàu.

Gia đình ông Dương Tùng Sơn không chỉ thoát nghèo mà vươn lên khá, giàu từ mô hình trồng tràm thâm canh và chăn nuôi heo, cá đồng, trồng chuối, lúa. Với 1,5 ha, ông trồng lúa 2 vụ/năm, dưới nước thả nuôi cá đồng, đất bờ bao khuôn hộ thì trồng chuối, trồng tràm thâm canh. Ông Sơn khẳng định: "Mô hình này rất phù hợp với điều kiện ở địa phương. Mỗi năm từ trồng tràm, lúa, cá đồng, chuối, gia đình tôi thu lãi trên 140 triệu đồng".

Thực tế cho thấy, phần lớn các hộ dân tham gia thực hiện mô hình trồng rừng thâm canh đều đánh giá cao khả năng sinh trưởng và phát triển của cây tràm truyền thống. Bởi trồng rừng theo phương pháp thâm canh, kê liếp không chỉ rút ngắn được một nửa thời gian mà năng suất và sản lượng tràm khai thác cao gấp rưỡi so với trồng quảng canh truyền thống. Bên cạnh đó, tận dụng đất trống bờ bao trồng chuối, dưới chân lúa thả cá đồng. Hiệu quả từ mô hình đa cây, đa con giúp người dân cải thiện đời sống trong khi đợi thu hoạch cây tràm.  

Ông Nguyễn Văn Chiến, 61 tuổi (Tuyến 96, Ấp 14) gắn bó với đất rừng U Minh hơn 17 năm, từ khi chuyển đổi thử nghiệm 3 ha tràm quảng canh sang thâm canh, cuộc sống gia đình ông thực sự đổi đời.

Ông Chiến chia sẻ: “Năm 2010, tôi mạnh dạn chuyển đổi 3 ha trồng tràm quảng canh sang thâm canh, sau 5 năm tôi thu hoạch, lãi trên 75 triệu đồng. Số tiền 75 triệu đồng lợi nhuận trở thành niềm tin để gia đình tiếp tục bám rừng. Phương pháp trồng rừng thâm canh mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho gia đình tôi cũng như người dân sống ở đất U Minh này”.

Cần trợ sức

Ấp 14 có 128 hộ dân, trong đó có 41 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới. Theo rà soát của địa phương, khoảng 40 hộ phải đi lao động ngoài tỉnh. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu vốn kê liếp trồng tràm thâm canh, cộng với vụ lúa thất mùa vừa qua nên những hộ này tranh thủ đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập.

Ông Trần Việt Hồng nói: "Ðể giúp hộ trồng tràm có cơ hội thoát nghèo, địa phương đã họp dân và thống nhất thành lập tổ hợp tác trồng tràm thâm canh. Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất là ngân hàng khoanh nợ cho những hộ này và tiếp tục đầu tư vốn để họ kê liếp, trồng tràm thâm canh. Với 1 ha trồng lúa 2 vụ/năm, thu hoạch chuối trên bờ bao; gác kèo ong khi tràm khoảng 2 năm tuổi, số tiền này giúp người dân xoay xở đợi 5 năm thu hoạch tràm. 4 ha trồng tràm thâm canh, khi thu hoạch khoảng 500 triệu đồng, người dân có cơ hội trả hết nợ ngân hàng và có vốn tiếp tục tái sản xuất".  

Mô hình trồng rừng thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, người dân vẫn đang trăn trở vì vốn đầu tư ban đầu để cải tạo, kê liếp khá cao.

Ông Nguyễn Văn Chiến cho biết thêm: "Thiếu vốn nên chúng tôi phải vay ngân hàng để cải tạo đất, số tiền gia đình tôi nợ trên 100 triệu đồng. Nếu được Nhà nước đầu tư vốn, người dân sẽ nhờ chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị cung cấp cây giống, cải tạo đất, vừa giảm chi phí, vừa không thất thoát vốn. Gia đình tôi cũng như đa phần bà con rất cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước, giúp dân có vốn tái đầu tư trồng rừng theo phương pháp mới hiệu quả, khi thu hoạch sẽ hoàn trả vốn và lãi theo quy định”.

Bí thư Huyện uỷ U Minh Trương Ðăng Khoa khẳng định: "Thông qua các hội thảo về nhân rộng mô hình sản xuất đa cây, đa con hiệu quả trên địa bàn huyện, Huyện uỷ chỉ đạo UBND huyện, các ngành, đoàn thể chọn lựa những mô hình phù hợp để nhân rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân. Bên cạnh đó, tranh thủ các nguồn vốn cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật để giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Ðồng thời, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07 của Huyện uỷ tận dụng đất trống để trồng rau màu, cây ăn trái nâng cao thu nhập cho người dân. Sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, quần chúng Nhân dân có thể thực hiện đạt mục tiêu nghị quyết Huyện uỷ đề ra là giảm khoảng 4% hộ nghèo/năm".

Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân thực hiện mô hình trồng tràm thâm canh đã được minh chứng rất rõ ràng. Qua đó, tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn. Thế nhưng, để mô hình trồng tràm thâm canh trở thành mô hình giảm nghèo cho người dân rừng tràm U Minh, rất cần sự trợ sức từ các cấp, các ngành./.

Bài và ảnh: Thanh Phương