Ngành Hải quan đã chủ trì và tham gia triệt phá nhiều chuyên án lớn. Ảnh: Văn Tá |
79 năm qua là chặng đường nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ công chức, viên chức, người lao động của ngành Hải quan để xây dựng, phát triển Hải quan Việt Nam từ thủ công, thô sơ từng bước tiến lên hiện đại, trở thành một trong những ngành tiên phong trong cải cách, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả"Nhận trọng trách người đứng đầu ngành Hải quan vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề. Trên cương vị công tác mới, tôi sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy thành quả các thế hệ lãnh đạo trước đây, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài nỗ lực của bản thân, tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp; sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ của tập thể lãnh đạo Tổng cục, cũng như công chức, người lao động toàn Ngành". Ông Nguyễn Văn Thọ , tân Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan |
Với tiến trình cải cách, hiện đại hóa hải quan liên tục trong nhiều năm, ngành Hải quan đã góp phần quan trọng vào tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, đưa quy mô kim ngạch thương mại của Việt Nam có sự phát triển vượt bậc và lập kỷ lục hơn 730 tỷ USD vào năm 2022. Hiện nay, nước ta trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu.
Về công tác thu ngân sách nhà nước, với khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, ngành Hải quan đã áp dụng nhiều giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, kéo theo tỷ trọng đóng góp về thu ngân sách của ngành Hải quan ngày một lớn. Riêng trong giai đoạn 10 năm gần đây (2014 - 2023) số thu của ngành Hải quan thu đạt hơn 3,2 triệu tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2004 - 2013.
Kết quả thu ngân sách của ngành Hải quan góp phần quan trọng vào ổn định tiềm lực tài chính quốc gia và đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh sự phát triển kinh tế thương mại và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, hàng không.
Đặc biệt những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy xuyên quốc gia hết sức nóng. Ngành Hải quan đã chủ trì và tham gia triệt phá nhiều chuyên án lớn, có những vụ thu giữ hàng trăm kg ma túy, hàng tấn ngà voi, hàng triệu bao thuốc lá… tổng trị giá hàng hóa vi phạm được thu giữ mỗi năm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tổ chức bộ máy ngành Hải quan được cơ cấu tinh gọn hợp lý, giảm đầu mối trung gian. Đẩy mạnh xây dựng và triển khai mô hình quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm. Phát triển nguồn nhân lực tinh thông nghiệp vụ, liêm chính, chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh và các nhiệm vụ chính trị của ngành Hải quan.
Từ nay đến cuối năm 2024, Hải quan Việt Nam tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả năm. Đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, thực hiện cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số; quyết liệt thực hiện các giải pháp về thu ngân sách; nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu.
Về dài hạn, bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành nỗ lực xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, có trình độ ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh…
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số của ngành Hải quan mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với cơ quan Hải quan mà còn cho hoạt động xuất nhập khẩu, của doanh nghiệp, các bộ, ngành và các bên liên quan khác.
Đồng thời, chuyển đổi số sẽ giúp công tác Hải quan giải quyết vấn đề nội tại của Ngành, đặc biệt là đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, nâng cao năng suất lao động của công chức hải quan. Trong đó, chuyển đổi số giúp cho việc thực hiện thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện…; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Chuyển đổi số của ngành Hải quan góp phần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong quản lý của cơ quan Hải quan cũng như của các bộ, ngành, thúc đẩy hình thành Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở Việt Nam.
8 nhiệm vụ đổi mới, cải cách, hiện đại hóa hải quan đến năm 2025Trong giai đoạn 2024 - 2025, ngành Hải quan sẽ cải cách toàn diện công tác hải quan để đạt được mục tiêu theo Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngành Hải quan sẽ nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu; xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, phù hợp với với các cam kết quốc tế; đẩy mạnh hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số. Về nội dung chuyển đổi số, tập trung vào 3 trụ cột là: Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số; Triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06 của Chính phủ); Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Ngoài ra, ngành Hải quan tiếp tục tập trung xây dựng tổ chức bộ máy tinh, gọn, giảm đầu mối trung gian, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ công chức hải quan có trình độ chuyên môn sâu, hoạt động liêm chính, có tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm chủ được công nghệ, trang thiết bị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; đáp ứng mô hình quản lý hải quan hiện đại… Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; trong đó, phát huy hiệu quả về hợp tác quốc tế. Tập trung xây dựng mô hình tổ chức kiểm tra sau thông quan tập trung ở cấp Tổng cục; áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác kiểm tra sau thông quan… Cùng với đó là mở rộng công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước để tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, lực lược Hải quan tiếp tục tăng cường thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan đối với thương mại điện tử, đây là phương thức mới trong hoạt động thương mại quốc tế và đang phát triển rất mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với lĩnh vực hợp tác, hội nhập quốc tế về hải quan, nâng cao hiệu quả tham gia, tăng cường đóng góp trong các cơ chế hợp tác và hội nhập hải quan để góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại./. |