Trong buổi triển lãm tranh năm 2015, tại Hà Nội, tác giả Trịnh Lữ đã viết: "Phong cảnh là gì? Là hình tượng của trời, đất, và đời. Vẽ phong cảnh là đi tìm những hình tượng ấy chăng? Cũng không hẳn thế. Vậy thì vẽ gì? Vẽ cái hữu duyên chợt nhìn thấy, nhận ra. Gọi là gì? Là cái "giao cảm" riêng tư giữa mình với cảnh. Khi mình cũng đang là khóm cây, ngọn cỏ, vệt nắng, vầng mây đang cùng thầm hát theo tiếng nhạc đời trầm lắng...".
Có thể nói những tự vấn ấy đã len lỏi vào lời, vào tranh khiến lời nào, tranh nào của ông cũng bồi hồi, tha thiết.
Từ mối "giao cảm" của tác giả với cảnh, ta nghe ra mối giao cảm của chính ta với tác giả. Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữgồm 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ trên giấy C120 của họa sĩ Trịnh Lữ, trong hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ.
Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên năm 2015, sau hơn 10 năm, Omega+ đã tái bản với một số thay đổi, như: Khổ sách và cỡ chữ lớn hơn, mang đến cho bạn đọc những trải nghiệm đọc và xem tranh tốt hơn.
Ngoài ra, sách có phần bổ sung những sự kiệnquan trọng sau hơn 100 ngày đạp xe đi vẽ của tác giả trong năm 2014, ông đã chia sẻ đầy đủ trong nội dung cuốn sách này. (Sự kiện triển lãm tranh tại Hà Nội, triển lãm tranh tại Shorewood, Trịnh Lữ trên tạp chí của làng Shorewood).
Tác giả Trịnh Lữ sinh năm Đinh Hợi tại Hà Nội, vốn là Kỹ sư Xây dựng Mỏ (Đại học Mỏ - Địa chất), Thạc sĩ Khoa học Truyền thông (Đại học Cornell).
Ông từng tham gia công tác địch vận trên sóng phát thanh trong chiến tranh chống Mỹ và là chuyên gia Truyền thông Phát triển của Liên hợp quốc.
Ông tham gia dịch và viết sách văn học, hội họa, nhiếp ảnh, tham gia podcasts và làm diễn giả trong nhiều sự kiện của thanh thiếu niên sinh viên hiện nay. Tác giả đã có nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm tại Mỹ và Việt Nam.