Cục Quản lý giá- Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 15-9, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 280.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 58.690 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15-8 đến 15-9 là 92.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10.000 tấn.
Xuất khẩu đường (qua cửa khẩu phụ lối mở) đợt 1 (đến hết 30-6) đã dừng. Số lượng đường xuất khẩu đạt 139.301 tấn/240.000 tấn hạn ngạch cho phép.
Đợt 2 cho phép xuất khẩu từ 1-7-2014 đến hết năm 2014, hiện xuất khẩu được 3.908 tấn/114.000 tấn đã cấp hạn ngạch.
Giá bán buôn đường trong nước tháng 9 giảm nhẹ so với tháng 8-2014, phổ biến ở mức 12.100 - 14.900 đồng/kg đường RS, giảm 50 – 400 đồng/kg; 13.100 – 14.700 đồng/kg đường RE, giảm 400 đồng/kg.
Giá bán lẻ đường trên thị trường ổn định so với tháng 8/2014, hiện phổ biến ở mức 18.000-21.000 đồng/kg.
Đường xuất sang Trung Quốc tại Lào Cai trong tháng 9-2014 ở mức 11.600 đồng/kg, một số doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất phải bán tháo.
Từ giữa tháng 9/2014, đường sản xuất trong nước không xuất được do giá quá thấp.
Lý giải nguyên nhân, Cục Quản lý giá cho hay, nguồn cung đường lớn từ các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới như Brasil, Ấn Độ, trong khi nhu cầu tiêu dùng thấp cùng với đà suy giảm của thị trường hàng hóa nói chung là những nguyên nhân chính kéo giá đường thế giới 9 giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Cùng với xu hướng giảm giá của giá đường thế giới, giá bán buôn đường trong nước cũng giảm so với cùng kỳ năm 2013 do nguồn cung trong nước dồi dào, tiêu thụ chậm, tồn kho luôn ở mức cao.
Cục Quản lý giá dự báo rằng, với tình hình trên, giá đường thế giới khó có khả năng tăng.
Trong nước, trong tháng này, một số nhà máy đường tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào vụ, sản lượng đường tuy chưa cao nhưng với lượng tồn kho và lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì nguồn cung đường tiếp tục được bảo đảm.
Do vậy, giá bán buôn đường tháng 10-2014 có thể tiếp tục giảm nhẹ.