Đoàn chủ tịch đại hội. Ảnh: CTV |
Dừa là loại cây trồng truyền thống, có mặt hầu hết trên khắp mọi miền đất nước với gần 200.000 ha. Cây dừa đang là nguồn thu nhập cho khoảng 389.530 hộ nông dân và tạo ra giá trị xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa dự kiến đến năm 2024 sẽ lên đến 1 tỷ đô la Mỹ/năm và còn hơn thế nữa.
Hiện nay, ngành dừa Việt Nam đã có những khởi sắc sau khi Mỹ và các nước châu Âu đã bắt đầu mở cửa nhập khẩu tự do cho trái dừa Việt Nam. Gần đây, Trung Quốc cũng đã có thông tin đưa ra kế hoạch nhập khẩu tự do trái dừa Việt Nam thông qua các đảo ươm trồng.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết thêm, trong tháng 9, Việt Nam tăng cường xuất khẩu nước dừa vào thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư mà hai nước đã ký kết. Còn thị trường Mỹ cũng đang bắt đầu tiếp nhận dừa trái của Việt Nam.
Với thị trường mới này, theo bà Thanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tập trung vào phát triển nguồn nguyên liệu. Hiện nay, vùng nguyên liệu chưa thật sự ổn định. Chính vì thế, khi các thị trường nước ngoài mở cửa, chúng ta phải có những chính sách về sản xuất, chiến lược phát triển cũng như về giá cả.
Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, xây dựng vùng trồng. Nhiều trang trại ngành dừa có diện tích trên 100 hecta để trồng dừa chuyên canh, đặc biệt là các tỉnh mới như Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bình Định. Đồng thời, ngành dừa cũng mong muốn phát triển, xây dựng cây dừa thành cây chủ lực quốc gia trong thời gian tới.
Ông Cao Bá Đăng Khoa - quyền Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam chia sẻ, tuy ngành dừa đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, song vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức trong việc đầu tư vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khi chưa có những chính sách liên kết vùng cụ thể để xây dựng dự án./.
Một số vấn đề còn bất cập đang được các đại biểu quan tâm đề xuất hiện nay là chưa có văn bản nào của ngành chức năng quy định về các loại dừa uống nước hay là loại dừa nguyên liệu để ưu tiên xuất khẩu trong thời gian tới, chưa có một mã ngành cụ thể để các ngành hữu quan khuyến khích tạo đòn bẩy về hành chính, thể chế, ưu đãi về thuế cho loại dừa nào nên xuất khẩu, loại dừa nào hạn chế xuất khẩu dành lại làm nguyên liệu cho cộng đồng doanh nghiệp sản xuất trong nước. Gỗ dừa chưa được phân loại vào nhóm ngành cụ thể, chưa được cấp mã ngành để sản xuất lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, đây là những ngành có giá trị rất cao nhưng thiếu giá trị kinh tế, thiếu chỗ đứng trên thị trường hiện nay. |