Hiện nay, trên cả nước đã có 23 cơ sở đào tạo nghề logistics. Tuy nhiên, mỗi trường đào tạo một chương trình riêng, dựa trên thế mạnh của các trường mà chưa xuất phát từ yêu cầu của ngành logistics.
Nhân lực còn hạn chế về số lượng và chất lượng
Ông Nguyễn Tương - Phó Tổng thư ký VLA cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa. Nguồn nhân lực logistics đóng góp một phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiêp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nguồn nhân lực còn bị hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng được nhu cầu chất lượng cao của thị trường đang phát triển với tốc độ 12% - 14% năm.
Về trình độ và kỹ năng của nhân viên nói chung qua khảo sát cho thấy, trên 45% nhân viên có trình độ chuyên môn tốt. Nhưng về trình độ IT và ngoại ngữ tiếng Anh chỉ có khoảng 29% nhân viên được đánh giá tốt và trên 41% được đánh giá ở mức khá. Vì vậy, việc nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ cho nguồn nhân lực logistics là vấn đế quan trọng, quyết định việc nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí logistics của ngành dịch vụ logistics Việt Nam.
GS.TS.Đặng Đình Đào - Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển – Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngành logistics là ngành kinh tế tổng hợp mang tính chuyên ngành, vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính kinh tế, lại có yếu tố xã hội và ngoại ngữ. Trên cả nước đã có 23 trường đào tạo chuyên ngành logistics và quản trị cung ứng. Đây là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, chương trình đào tạo của các trường chưa thống nhất, mỗi trường một chương trình đào tạo riêng, chủ yếu dựa vào thế mạnh của các trường mà chưa xuất phát từ yêu cầu của ngành logictics.
Bên cạnh đó, hiện nay đội ngũ giảng viên đào tạo còn rất thiếu và yếu. Có rất ít giảng viên được đào tạo bài bản chuyên ngành logictics từ đại học, thạc sĩ lên tiến sĩ mà chủ yếu là đào tạo đại học một chuyên ngành khác rồi học thạc sĩ hoặc tiến sĩ chuyên ngành logistics. Bên cạnh đó, cũng có rất ít giảng viên được đào tạo từ nước ngoài chuyên ngành logistics.
Kết hợp vừa làm vừa học
Theo ông Đào, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xếp logistics là mã ngành đào tạo riêng chứ không phải đưa chung vào mã ngành quản lý công nghiệp như hiện nay. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải yêu cầu các trường tăng cường đào tạo nhân lực cho ngành, đặc biệt là tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên. Quan trọng nhất, phải gắn đào tạo với thực tiễn, tăng cường đào tạo kỹ năng, thực hành.
Đồng thời, các trường phải nghiên cứu chương trình đào tạo, môn học phù hợp với ngành, đáp ứng được yêu cầu của ngành.
Cũng theo ông Đào, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành. Nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, logistics chỉ là vận tải thông thường, trong khi logistics mang tính liên ngành. Do đó, chưa có sự quan tâm đúng mức tới ngành. Do đó, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp cũng cần phải được trang bị kiến thức logistics, có tư duy logistics để tổ chức và quản lý khoa học các hoạt động với chi phí thấp nhất.
Ông Nguyễn Tương cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc gấp rút đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, VLA đã có nhiều biện pháp trong công tác đào tạo cán bộ, nhân viên.
VLA đã triển khai các hoạt động đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ tiếng Anh tại chỗ, theo hình thức vừa làm vừa học, cầm tay chỉ việc, kết hợp với đào tạo của các trường đại học, trường dạy nghề, đưa các chương trình đào tạo quốc tế của FIATA, AFFA (ASEAN), Aus4Skill vào giảng dạy cấp bằng.
Thông qua các hình thức đào tạo này mà người được đào tạo không những có thể làm việc ở Việt Nam mà còn làm việc được ở nước ngoài, nhất là trong các nước ASEAN. Hiệp hội đã ký văn bản hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với 11 trường đại học, học viện, bước đầu thu được hết quả hết sức khích lệ.
Cùng với đó, VLA đã tổ chức ký văn bản hợp tác về đào tạo giữa 18 doanh nghiệp với một số trường đại học và dạy nghề với các nội dung như: Hiệp hội hỗ trợ về chương trình đào tạo, các doanh nghiệp hội viên cung cấp nhu cầu tuyển dụng và tổ chức nhận sinh viên đi thực tập thực tế, trao đổi giáo viên đi thực tế và báo cáo chuyên đề nghiệp vụ cho các trường, đào tạo gắn với thực tế, vì vậy nhiều trường sinh viên đã được chào đón tại doanh nghiệp. /.
Bùi Tư