Mở đầu phiên họp,ínhphủhọpthườngkỳthángKinhtếtiếptụccósựchuyểnbiếntíchcựkết quả ac Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định giao quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bày tỏ tin tưởng sâu sắc rằng đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức chu đáo kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng nhận định tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát tốt; CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt. Khách du lịch quốc tế đạt hơn 9 triệu lượt người, tăng hơn 25%. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, chỉ đạo triển khai phát triển toàn diện. Nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao, dự báo triển vọng tốt của kinh tế Việt Nam…
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, còn một số yếu kém, hạn chế, khó khăn, thách thức và đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đề xuất các giải pháp, đối sách cụ thể. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, song sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt là căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra… Thủ tướng yêu cầu tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ trong xử lý, ứng phó với vấn đề này.
Cho rằng sản xuất, kinh doanh ở một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistic…
Về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 phát sinh tiêu cực tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phát biểu về vấn đề này, lưu ý tập trung vào các giải pháp xử lý, khắc phục; nhấn mạnh yêu cầu xử lý nghiêm sai phạm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận về những vấn đề đang nổi lên liên quan đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tích cực chuẩn bị tốt cho các hội nghị chuyên đề của Chính phủ trong thời gian tới.
Chính phủ đã dành cả ngày đầu tiên của phiên họp (ngày 31/7) cho công tác xây dựng pháp luật, trong đó đã nghe và thảo luận về: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;…
Phát biểu thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, các thành viên Chính phủ đề cập đến các nội dung về đổi mới phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới công tác quản lý giáo dục-đào tạo; chính sách học phí đối với học sinh ở các trường công lập và dân lập; tăng cường tự chủ đối với các cơ sở giáo dục-đào tạo; xây dựng Hội đồng trường;…
Phát biểu kết luận về 2 dự án luật nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giáo dục là vấn đề lớn, có liên quan đến các gia đình và toàn xã hội; là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng 2 dự án luật này cần hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm các yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Đối với dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng dự án luật phải trên tinh thần Nhà nước thống nhất quản lý về giáo dục; tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục-đào tạo; đổi mới tư duy quản lý giáo dục-đào tạo;…
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên các yêu cầu đặt ra đối với cơ quan chủ trì soạn thảo về tính khả thi, tính thống nhất của Luật trong hệ thống pháp luật nói chung; vấn đề phát huy vai trò tự chủ của các sơ sở giáo dục đại học; xây dựng Hội đồng trường, phát huy vai trò của Hội đồng trường trong hoạt động giám sát, lãnh đạo các mặt hoạt động của các trường đại học;…
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo – cơ quan chủ trì soạn thảo 2 dự án Luật nêu trên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến thành viên Chính phủ tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện 2 dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 tới.
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các thành viên Chính phủ đã tập trung vào những vấn đề: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của rượu, bia; chính sách thuế, giá nhằm hạn chế tiêu dùng rượu, bia; xây dựng quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia; chính sách kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với đồ uống là rượu, bia;…
Phát biểu kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (Bộ Y tế) đã rất tích cực trong xây dựng dự án Luật, thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên đây là một luật khó, đụng chạm đến rất đông người trong xã hội và với pháp luật hiện hành có liên quan. Chính vì vậy, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải lấy ý kiến rộng rãi và mục tiêu là phải tạo được sự đồng thuận xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng luật là cần thiết nhưng phải bảo đảm tính khả thi; phải không trùng dẫm và xung đột với các luật khác liên quan.
Thủ tướng gợi mở, đối với một luật khó như thế này chỉ nên quy định khung, còn những vấn để cụ thể phải có hướng dẫn. Về tên dự án Luật, nên lấy tên là Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, qua thực tiễn 7 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự đã xuất hiện một số vướng mắc; việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự để khắc phục những vướng mắc của luật hiện hành là cần thiết.
Phó Thủ tướng cho rằng, đây là dự án Luật có phạm vi sửa đổi lớn, sửa đổi một cách rất cơ bản, vì vậy đề nghị nên đổi dự án Luật nêu trên thành dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Phó Thủ tướng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật (Bộ Công an) tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ tại phiên họp để bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, trong đó hết sức lưu ý làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau; có báo cáo tổng kết đầy đủ về công tác thi hành án hình sự, báo cáo đánh giá tác động của luật; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi, thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung… sau đó trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng nghe và thảo luận về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định số: 77/2015/NĐ-CP, 136/2015/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.