Số liệu thống kê từ VAMA cho thấy: Mặc dù doanh số tháng cuối cùng của năm, tháng 12 (thời điểm vốn "nóng" nhất trong năm), không đạt được như kỳ vọng (với 29.397 chiếc, giảm 1% so với tháng liền trước) song với tốc độ tăng liên tiếp của 11 tháng trước đó, kết thúc năm 2015, toàn thị trường đã đạt được con số lịch sử với 244.914 xe, tăng 55% so với năm 2014. Vượt xa kỷ lục cũ của năm 2009 (160.00 xe) và vượt xa dự báo đầu năm (200.000 xe). Như vậy, thị trường ô tô Việt Nam đã tăng gấp 2,7 lần chỉ trong 3 năm qua, từ mức hơn 92.000 xe của năm 2012.
Tính theo phân khúc, các dòng xe chuyên dụng đạt mức tăng cao nhất 105% so với cùng kỳ năm trước (với 12.195 xe); tiếp đến là các dòng xe thương mại tăng 74% (89.327 xe); rồi đến xe du lịch tăng 44% (143.392 xe).
Nếu tính theo nguồn gốc, xe sản xuất lắp ráp trong nước năm qua đạt 173.040 xe, tăng 48%; xe nhập khẩu đạt 71.874 xe, tăng 74%.
Trong khi xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng 48% thì xe NK tăng tới 74% |
Trong các thành viên VAMA (với tổng số 208.568 xe, tăng 56%) Trường Hải (Thaco) là doanh nghiệp có sự phát triển và tốc độ tăng trưởng lớn nhất, hiện đang dẫn đầu thị trường. Cả năm Thaco bán ra tới 80.421 xe các loại, tăng 90% so với năm trước đó. Cụ thể: Các dòng xe Kia bán được 21.310 tăng 90%; Mazda bán được 20.359 xe, tăng 116%; Peugeot dù mức tuyệt đối là 540 xe, song có mức tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Vẫn đứng thứ hai về doanh số và đứng đầu về xe du lịch nhưng mức tăng trưởng của Toyota Việt Nam thấp hơn mức tăng trưởng chung toàn thị trường, chỉ đạt 23% với 50.285 xe bán ra trong năm 2015. Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc TMV lý giải: TMV có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng chung là vì ở những phân khúc có tốc độ tăng trưởng cao, TVM không có sản phẩm, đơn cử như phân khúc xe du lịch cỡ nhỏ, xe tải, xe bus….
Vị trí thứ 3 là Ford Việt Nam với mức tăng 48% ( 20.740 xe bán ra). Đây là mức tăng "lịch sử" của liên doanh này sau 20 năm có mặt tại Việt Nam. Không có xe hoàn toàn mới trong năm qua, song nhờ mẫu xe cỡ nhỏ City, Honda Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4, với mức tăng 28%, đạt 8.312 xe bán ra. Sau nhiều nỗ lực đầu tư cho việc hoàn thiện hệ thống, GM đã có được mức tăng trưởng 43%, đạt 7.345 xe bán ra trong năm qua.
Ở mảng xe sang Mercedes có mức tăng trưởng 55%, đạt 4.361 xe bán ra trong năm 2015. Trong số này, các mẫu xe du lịch, xe thể thao đa dụng chiếm đại đa số với gần 3.600 xe bán ra, còn lại xe tải với gần 800 xe. Đặc biệt, thương hiệu Lexus, sau hơn 2 năm có mặt tại Việt Nam, đã nhanh chóng có mức tăng trưởng ấn tượng tới 150% so với năm trước, đạt 961 xe bán ra.
Nhận định về tốc độ tăng trưởng của năm 2015, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô đều cho rằng: Kinh tế tăng trưởng cao, nhu cầu ô tô cho sản xuất và tiêu dùng tăng cao, trong khi các chính sách thuế tương đối ổn định được cho là những nguyên nhân chính giúp thị trường ô tô Việt Nam lập kỷ lục mới về doanh số trong năm 2015.
Trao đổi với phóng viên, đại diện của Toyota Việt Nam cho biết: với kết quả này, thị trường ôtô Việt Nam hiện đang đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN, song vẫn rất nhỏ so với Thái Lan, Indonesia. Do vậy, thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng phát triển. Năm 2016 dự báo cũng sẽ là một năm tăng trưởng tốt của ngành ô tô, thậm chí tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn năm 2015. Và đến năm 2020, khi thu nhập bình quân người Việt đạt 3.000 USD, doanh số tiêu thụ ôtô dự báo sẽ cán mốc 370.000 xe. |