Trả lời phỏng vấn của VOV,êngiaLuậtTrungQuốclậpTâySaNamSalàsaitráigâybấtlợkq koln Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao - chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển và phân định biên giới cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc phê chuẩn lập hai quận, gồm Tây Sa (đặt chính quyền ở Phú Lâm) và Nam Sa (đặt chính quyền ở đá Chữ Thập), nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đại sứ - PGS.TS Nguyễn Hồng Thao. Ảnh: TTXVN. |
PV:Theo thông tin trên Mạng lưới truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Bộ Dân chính Trung Quốc ngày 18/4 ra thông cáo, Quốc vụ viện nước này mới đây đã phê chuẩn quyết định thành lập cái gọi là "quận Tây Sa" và "quận Nam Sa" trực thuộc "thành phố Tam Sa", tỉnh Hải Nam. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Trung Quốc?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Năm 2012, Trung Quốc lập cái gọi là thành phố Tam Sa để tự cho mình có quyền quản lý các quần đảo (Sa) nằm trong phạm vi đường chín đoạn phi lý ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016, để tránh sử dụng tên đường chín đoạn đã bị Tòa bác bỏ, Trung Quốc đẩy mạnh sử dụng tên gọi Tứ Sa kết hợp giải thích mập mờ các vùng biển theo Công ước Luật biển và chính thức yêu sách nó thông qua Công hàm ngày 23/3/2020 gửi Liên Hợp Quốc.
Quyết định thành lập “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là vi phạm chủ quyền Việt Nam vì vậy người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/4/2020 đã lên tiếng cực lực phản đối. Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế.
Quyết định này của Trung Quốc nhằm mở rộng sự hiện diện và thiết lập hệ thống quản lý hành chính trên các bãi cạn nửa nổi nửa chìm mà họ đã mở rộng thành các đảo nhân tạo với hạ tầng thiết yếu cơ bản từ năm 2014. Việc này còn nhằm bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài và hạn chế quyền tự do đi lại của tàu thuyền các nước trên Biển Đông. Đây rõ ràng là một việc làm sai trái, làm căng thẳng tình hình, ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Không loại trừ bước tiếp theo Trung Quốc sẽ bao vây, buộc các nước rút khỏi các đảo và sẽ hợp pháp hóa ranh giới hành chính trên biển.
PV:Theo ông liệu đây có phải là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc hòng hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông? Có mối liên hệ nào trong việc Trung Quốc thực hiện bước đi này khi dịch bệnh Covid-19 đang thu hút sự tập trung chú ý của dư luận quốc tế?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Đây là một bước đi tiếp theo trong chiến lược lâu dài biến Biển Đông thành ao nhà trong cạnh tranh chiến lược với Mỹ. Sự kiện này xảy ra ngay trong lúc cộng đồng thế giới đang vật lộn với Covid-19. Song theo tôi, Covid-19 chỉ tạo thêm thuận lợi cho hoạt động của Trung Quốc chứ không phải là lý do chính.
Nếu so sánh với các năm trước, tháng 4 là dịp sóng lặng, thời tiết tốt, Trung Quốc thường đẩy mạnh hoạt động trên biển. Năm 2014, tháng 4 là sự kiện dàn khoan Hải Dương 981 và việc Trung Quốc triển khai xây các đảo nhân tạo. Năm 2019, tháng 5 tàu Trung Quốc đã có hoạt động và đỉnh điểm là tháng 7 xâm nhập sâu vào thềm lục địa Việt Nam.
Có khác chăng, năm 2020 Trung Quốc triển khai rầm rộ hơn, lực lượng tham gia đông hơn và phạm vi rộng khắp Biển Đông. Từ tàu sân bay Liêu Ninh ở eo biển Đài Loan tiến vào Biển Đông, tàu hải cảnh đâm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa ngày 2/4/2020, khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Malaysia – Brunei và tập trung dân quân biển ở phía Nam. Các hoạt động từ tuyên truyền, hành chính, luật pháp tới răn đe bằng sức mạnh.
Trung Quốc lần này dường như tỏ ra hung hăng hơn và sẵn sàng sử dụng vũ lực buộc các nước nhỏ phải theo ý mình. Trước những động thái này, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấm dứt dọa nạt các nước nhỏ trong Biển Đông.
PV:Ở góc độ của một chuyên gia, theo ông, Việt Nam nên có phản ứng thế nào trong tình huống hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thao: Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, biết rõ cái giá của chiến tranh nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh vì độc lập tự do và bảo toàn chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng trên Biển Đông. Công hàm ngày 30/3/2020 và các tuyên bố khác của Việt Nam luôn khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý đúng đắn để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Việt Nam luôn cùng các nước đấu tranh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Động có hiệu lực pháp lý, nhằm ngăn ngừa những hành động không tôn trọng luật quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình.
Việt Nam luôn kêu gọi các nước hợp tác, tìm kiếm một giải pháp hòa bình, cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Mặt khác Việt Nam cần luôn cảnh giác và đẩy mạnh xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng của đất nước, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra.
PV:Xin cám ơn ông!./.