Phát huy tinh thần đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế gia đình,ốnnhỏhiệuquảthiếtthựkq vo dich phap thời gian qua, Hội LHPN xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ đã vận động nhiều chị em hội viên tham gia các tổ hùn vốn xoay vòng do hội quản lý.
Thành viên Tổ hùn vốn xoay vòng ấp 1 thăm mô hình nuôi ếch của bà Tuyết.
Nhờ đó, nhiều chị hình thành thói quen tiết kiệm, biết tính toán làm ăn, quản lý chi tiêu trong gia đình tốt hơn; từng bước vươn lên vượt khó.
Đều đặn cứ đến 12 giờ trưa ngày 12 hàng tháng, 24 thành viên Tổ hùn vốn xoay vòng ấp 1 đều có mặt đầy đủ tại điểm họp lệ. Tại đây, ngoài việc nghe chi hội trưởng triển khai các nội dung liên quan đến công tác hội và phong trào phụ nữ, thành viên sẽ hùn vốn và bốc thăm chọn người mượn vốn tháng đó.
Bà Huỳnh Trường Giang, Tổ trưởng Tổ hùn vốn xoay vòng ấp 1, cho biết: “Chị em rất đồng lòng với nhau trong hùn lại cho mượn xoay vòng để làm ăn. Cứ đến ngày họp là tự giác đến đúng giờ, việc góp tiền, trả tiền đã mượn được thực hiện nghiêm túc nên việc quản lý tổ rất thuận tiện”.
Theo bà Giang, tổ thành lập đến nay đã 16 tháng. Bình quân hàng tháng mỗi thành viên hùn 100.000 đồng và giải quyết cho 1 chị mượn. Thời gian hoàn trả trong vòng 6 tháng. Do đó, càng về sau đồng vốn cho mượn càng tăng. Đến nay đã có 16 lượt chị mượn, lần cho mượn vốn gần đây nhất được 7,2 triệu đồng.
“Qua theo dõi, hầu hết các chị mượn đều sử dụng vốn có hiệu quả. Dù đồng vốn ít hay nhiều các chị đều thực hiện mô hình phù hợp để tăng nguồn thu”, bà Trương Thị Thạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, cho biết thêm.
Cách nay 2 tháng, bà Diệp Ánh Tuyết được mượn 7 triệu đồng. Từ đồng vốn này bà đầu tư nuôi vèo ếch 500 con; hiện ếch đang lớn nhanh, dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ xuất bán.
“Bình quân mỗi đợt nuôi từ 500-1.000 con thì lợi nhuận được 1-2 triệu đồng. Mỗi đợt mượn kéo dài 6 tháng, tính ra tôi nuôi cũng được 2 đợt mới hoàn trả vốn”, bà Tuyết cho biết.
Cũng như những thành viên khác, tham gia tổ, bà Trương Thị Nga cũng có kế hoạch sử dụng đồng vốn để chăn nuôi. Bà Nga cho biết: “Gần đây, thấy heo bán có giá nên tôi dự định nuôi để có thêm nguồn thu nhập ngoài làm ruộng. Cách đây vài ngày, tôi xây xong chuồng heo, nếu tháng tới được mượn vốn từ tổ sẽ mua khoảng 10 heo con về nuôi”.
Theo bà Trương Thị Thạnh, đa phần chị em trên địa bàn ấp sống bằng nghề nông. Ngoài 2 vụ lúa, thời gian nhàn rỗi tương đối nhiều do đó các chị cũng chăn nuôi thêm gà, vịt, ếch, cá hoặc trồng rau, mua bán nhỏ để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Việc thành lập các tổ cho mượn vốn xoay vòng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc làm ăn. Chỉ cần vài triệu đồng, các chị có thể mua con giống, hạt giống, thức ăn, phân bón… để tăng gia sản xuất. Ấp hiện có đến 4 tổ hùn vốn cho mượn xoay vòng do chi hội quản lý, bình quân mỗi tổ có từ 20 thành viên trở lên.
Theo bà Đặng Thị Thúy An, Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hòa, hiện hội đang quản lý 11 tổ hùn vốn cho mượn xoay vòng với 169 thành viên. Qua theo dõi, kiểm tra, hiện các tổ hoạt động khá tốt. Các tổ đã giúp được 211 lượt chị vay xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mua bán để tăng thu nhập. Việc thành lập mô hình hùn vốn xoay vòng không còn mới đối với hoạt động hội nhưng là mô hình đem lại hiệu quả rất thiết thực.
“Dù tiền góp, vốn mượn không lớn nhưng đã kịp thời giải quyết được nhu cầu làm ăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ hoàn cảnh khó khăn, góp phần hạn chế tình trạng vay nóng, vay “tín dụng đen” lãi suất cao, rủi ro lớn. Qua đây còn thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ nhau trong cuộc sống, tạo động lực cho các chị cùng nhau nỗ lực thi đua làm kinh tế giỏi. Hiệu quả của mô hình góp phần trong việc thu hút, tập hợp đông đảo phụ nữ vào hội”, bà An nói thêm.
Bài, ảnh: MỸ AN