Không xúc động sao được khi nghe luật sư riêng của con trai đề nghị vợ ly hôn để chồng có một lối thoát vì hôn nhân không hạnh phúc,Mẹ đxem truc tuyen bong da mẹ chồng liền phản ứng gay gắt: “Anh không được làm tan nát hạnh phúc gia đình chúng tôi!”. Còn khi tới Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) xét xử ly hôn, cha mẹ chồng và con dâu đi một hướng còn con trai cùng luật sư từ một hướng khác vào phòng xử.
Lý do khiến cha mẹ chồng nghiêng về phía con dâu cũng bởi họ biết rất rõ, con dâu là người vợ đảm đang, biết chăm lo, vun vén cho gia đình. Việc con trai họ nhất quyết đòi ly hôn chỉ vì một “bóng hồng” khác.
Thông thường, mẹ hay bênh vực con trai nhưng ở đây, trong khi chờ tòa nghị án, mẹ chồng đã an ủi con dâu: Nếu tòa giải quyết ly hôn, ông bà sẽ ở với con để cùng chăm sóc các cháu!
Cuối phiên xét xử, người chồng bỗng bàn bạc với luật sư và đồng ý rút đơn ly hôn. Một cái kết đầy bất ngờ và đẹp như cổ tích. Có lẽ, chứng kiến sự yêu thương của cha mẹ dành cho “mẹ của các con mình” cùng với sự tác động của chủ tọa phiên tòa đã khiến người chồng nghĩ lại.
Nàng dâu đã hoàn toàn chinh phục trái tim cha mẹ chồng bằng tất cả suy nghĩ và việc làm chân tình của mình. Điều đó khiến nhiều người không khỏi liên tưởng tới nhà thơ Xuân Quỳnh cùng những câu thơ cảm động trong bài Mẹ của anh:
“Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
...
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.
Nếu ai cũng có tấm lòng như người con dâu này, có cùng quan điểm như nhà thơ Xuân Quỳnh thì cũng sẽ nhận được trái ngọt theo luật nhân quả: “Thương thì gần, gây khó thì xa”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng “ngộ” được chân lý này. Thói thường, chị em vốn hay truyền tai nhau để rồi khi chung sống với mẹ chồng thường giữ khoảng cách, “cảnh giác” cao độ với mẹ chồng bởi suy nghĩ “khác máu tanh lòng...”. Từ một mớ lý thuyết hỗn độn nghe, đọc, thấy... ở nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhiều người đã “bị nhiễu” tư tưởng để rồi không thể thành tâm, thành ý với mẹ chồng. Nhiều người luôn thủ thế, không coi mẹ chồng là kẻ thù cũng chẳng thể làm bạn tâm giao để sẻ chia, tâm sự...
Không hề sách vở, giáo điều mà thực tế cho thấy, chỉ có đối xử tốt với nhau, chân thành với nhau, gia đình mới hạnh phúc. Không chỉ mẹ chồng - nàng dâu mà tất cả thành viên trong gia đình phải xác định đừng tự biến cuộc sống thành địa ngục chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt. Bởi khi con dâu - mẹ chồng bất hòa, người làm con, làm chồng cũng vô cùng khó xử. Đừng đưa con trai, (chồng) của mình vào tình huống ấy. Đặc biệt, chỉ không còn khoảng cách, không còn sự ngại ngần ý tứ giữa mẹ chồng và nàng dâu thì mới có thể tạo không khí ấm áp hòa thuận trong gia đình. Quan trọng hơn, mẹ chồng - nàng dâu mới vui vẻ thoải mái với nhau. Khi đó, dù có tranh luận, bất đồng quan điểm (điều này là đương nhiên trong cuộc sống) cũng không có bất hòa, ấm ức hay thù ghét.
Qua diễn biến cuộc sống mẹ chồng - nàng dâu theo kiểu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” thì sẽ dễ nhận thấy, khi lấy tấm chân tình ra đối đãi sẽ được đáp lại bằng tấm chân tình. “Điều phối” mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu tuy không dễ nhưng cũng không khó. Chỉ cần thật tâm đối đãi tử tế thì ắt sẽ được người đối lại như thế, thậm chí còn được nhận lại nhiều hơn những gì mình đã “cho đi”. Với người trẻ, hãy là con dâu tốt thì chẳng có lý gì lại không được mẹ chồng đối xử tốt, không phải bây giờ mà cả mãi về sau...
An Nhiên