Không thể vì nghèo mà được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dược được đánh giá là ngành bị ảnh hưởng lớn khi thuế suất nhập khẩu thuốc sẽ về 0%. Tuy nhiên, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với dược phẩm là vấn đề khó khăn hơn.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP thừa nhận, bất kỳ vấn đề nào trong đàm phán sở hữu trí tuệ cũng khó khăn và khó khăn nhất trong chương này là thời gian bảo hộ dữ liệu sản phẩm sinh dược.
Theo đó, khi một nhà sản xuất sinh dược đến Bộ Y tế xin cấp phép lưu hành sản phẩm sinh dược đó để chứng minh rằng sản phẩm đó an toàn sẽ nộp cho Bộ Y tế kết quả thử nghiệm lâm sàng. Trên cơ sở này, Bộ Y tế sẽ cấp giấy phép lưu hành.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực sinh dược, các nhà sản xuất yêu cầu tăng thời gian bảo vệ dữ liệu thử nghiệm, dữ liệu thử nghiệm này phải được bảo mật tối đa, không cho phép người khác tiếp cận dữ liệu này (chi phí cho bộ dữ liệu này rất nhiều). Trong khi đàm phán, Hoa Kỳ yêu cầu bảo vệ dữ liệu này trong 12 năm, nhưng nhiều nước trong đó có Việt Nam không chấp nhận. Cuối cùng, các nước đồng ý rút xuống còn 8 năm.
Song mặt trái của vấn đề này đó là sự độc quyền. Đặc biệt, với việc kéo dài bảo hộ liệu rằng người nghèo sẽ khó có thể tiếp cận với biệt dược?
Ông Trần Quốc Khánh cho rằng: “Chúng ta không nên lấy lý do bởi vì chúng tôi còn nhiều dân nghèo nên chúng tôi phải được quyền vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (với biệt dược.) Chúng ta nên tiếp cận theo cách làm sao khuyến khích sự sáng tạo để tạo ra biệt dược, đồng thời vẫn bảo vệ được quyền tiếp cận thuốc cho người nghèo”.
Ông Khánh khẳng định: “Người nghèo không khó tiếp cận với biệt dược. Nếu người nghèo không đủ sức chi trả tiền mua biệt dược thì Nhà nước, dưới hình thức nào đó, sẽ có giải pháp hỗ trợ”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Ngọc Lâm, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, nếu không có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ để doanh nghiệp có thể đầu tư biệt dược, đưa biệt dược vào Việt Nam thì chắc chắn chúng ta cũng không thể tiếp cận được với biệt dược, chứ chưa nói đến giá rẻ. Chỉ khi có hệ thống đảm bảo thì các nhà sản xuất mới đưa sản phẩm ấy vào Việt Nam, và nếu họ nghiên cứu, đầu tư để triển khai sản xuất biệt dược ấy ở nước ta thì giá cả lúc đó lại là câu chuyện khác.
Theo ông Lâm, Việt Nam còn có những biện pháp khác để tiếp cận và kiểm soát các loại thuốc biệt dược. Cụ thể, trong tình huống khẩn cấp, Nhà nước có thể nhân danh yêu cầu chủ sở hữu trao quyền cho một doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp đó có thể cung cấp loại thuốc đó cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, “chúng ta cũng đưa vào Luật cho phép các doanh nghiệp được nhập khẩu song song, đảm bảo giá thuốc biệt dược không bị độc quyền và không cao một cách quá đáng”, ông Lâm nói.
Doanh nghiệp phải giữ "bài" cho mình
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco cho hay: “Dược phẩm là sản phẩm có đời sống dài và có giá trị sáng tạo cần bảo hộ. Chúng tôi đồng tình với việc bảo vệ những sáng chế của nhà khoa học, khẳng định được lao động của người chủ sở hữu đó”.
Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của kinh tế thị trường nên hiểu biết chưa đầy đủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều nên còn có suy nghĩ chộp giật, chớp nhoáng, tư duy phát triển bền vững không nhiều. “Những thông tin về hội nhập, doanh nghiệp cần phải quan tâm để tránh vô tình bị phạt chỉ vì lý do không tìm hiểu”, bà Thuận nêu quan điểm.
Hội nhập tức là doanh nghiệp sẽ phải “chơi” ở sân chơi chung, nếu nắm được luật chơi thì doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội. Theo đó, nếu doanh nghiệp nắm bắt được thời gian hết hạn bảo hộ của sản phẩm, sao chép lại công thức để làm ra loại thuốc tương tự, có giá thành tốt hơn để sử dụng cho cộng đồng thì người dân sẽ có lợi, nhất là người nghèo sẽ có nhiều cơ hội để sử dụng các loại thuốc biệt dược để điều trị.
Với ý kiến của bà Thuận, ông Lâm cho rằng, việc khai thác, sử dụng sáng chế hết thời gian bảo hộ là vấn đề quan trọng vì đây là nguồn tri thức lớn của nhân loại. Nếu doanh nghiệp biết khai thác để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu thì sẽ rút ngắn được thời gian, không mất tiền của, chi phí.
“Đương nhiên việc này không dễ dàng bởi việc đăng ký có nguyên tắc, có ngôn ngữ và phải có người chắt lọc thì mới áp dụng được. Việc doanh nghiệp, nhà nghiên cứu tìm hiểu, tham khảo những tư liệu đó để tạo ra bước đi mới là điều vô cùng quan trọng”, ông Lâm nói.
Hiện Traphaco đã tạo được nguồn thuốc riêng từ nguồn tri thức truyền thống nhưng nếu không để ý thì những bí mật truyền thống ấy sẽ bị mất, thậm chí bị doanh nghiệp nước ngoài có tiềm năng nghiên cứu và quay ngược trở lại đăng ký ở Việt Nam và kiểm soát thị trường.
“Chính vì vậy, với những tri thức truyền thống một mặt phải đưa vào trong sáng chế để đăng ký, giữ lấy quyền sở hữu, mặt khác nếu không đăng ký được những thông tin đó phải đưa lên để công chúng biết. Đó chính là nguồn tư liệu để có thể phản bác người nước ngoài khi họ có ý định sử dụng nguồn tri thức đó”, ông Lâm khuyến cáo doanh nghiệp.