Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề án theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ: Quốc gia, vùng và địa phương. Theo ông, việc xây dựng thương hiệu gạo nên bắt đầu từ đâu?
Tôi cho rằng, muốn xây dựng thương hiệu gạo phải bắt đầu từ giống lúa có đặc tính nổi bật mà nước khác không có, hoặc nước khác có nhưng mình làm tốt hơn.
Theo đó, giống lúa phải rặt, được công nhận trong nước hoặc tại vùng sản xuất. Khi có giống chúng ta mới tổ chức trồng và người nông dân đều phải nắm được quy trình đó. Nông dân và DN thống nhất quy trình làm đất như thế nào, dùng lượng hạt giống nào, bón phân loại nào, bón như thế nào…
Khi thu hoạch đúng lúc lúa chín, không quá xanh, rồi sấy ở trong thiết bị sấy đúng kỹ thuật để sau khi sấy hạt lúa còn 14% phẩm đồ rồi mới mang xay, đánh bóng, phân loại hạt và lấy gạo 100% hạt nguyên đi đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Khi làm thương hiệu, mọi người tham gia trong quy trình này có nhiệm vụ phải giữ thương hiệu ổn định, từ người nông dân đến nhà máy chế biến, DN XK.
Theo như ông phân tích thì chuỗi xây dựng thương hiệu có nhiều mắt xích. Vậy phân vai nào quan trọng nhất trong việc xây dựng thương hiệu gạo?
DN đóng vai trò quan trọng nhất bởi DN chăm sóc từ nông dân, đến đầu ra - chế biến lúa thành gạo đóng gói có thương hiệu mang đi XK. Phía cơ quan Nhà nước, trực tiếp là Bộ Công Thương trong quá trình tổ chức có thể phụ giúp DN kinh phí để DN làm tốt hơn, trang bị máy móc hiện đại như nhà máy xay xát để gạo ít bị gãy và giữ được hương vị. Bộ Công Thương có chính sách cho vay ưu đãi để cải tiến nhà máy bởi hiện nay nhà máy của DN rất lạc hậu.
Theo tôi, “tài trợ” quan trọng nhất của cơ quan quản lý là Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) giúp cho DN đưa sản phẩm ra thế giới. Ví dụ, khi có cuộc triển lãm về nông nghiệp, lương thực, cơ quan này tài trợ tiền cho DN đi xúc tiến bởi DN không có nhiều kinh phí để đi xúc tiến thương mại.
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tuy nhiên hoạt động này dường như chưa có hiệu quả?
Xúc tiến thương mại của chúng ta lâu nay không thật sự mang đúng ý nghĩa là đem sản phẩm để đọ với các nước khác. Ví dụ triển lãm gạo thế giới mấy năm nay ở Thái Lan, Việt Nam đều vắng bóng, chỉ có Campuchia, Thái Lan, Ý, Nhật, còn gạo Việt Nam không có. Nguyên nhân là do gạo Việt không có thương hiệu, còn những thương hiệu nhỏ đã có không được hỗ trợ để tham gia. Nếu Bộ Công Thương để DN tự bơi, không hà hơi tiếp sức cho DN thì DN không thể làm được.
Là chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực lúa gạo, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gạo của các nước trên thế giới?
Tại hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 6 tại Phnom Penh, Campuchia hồi tháng 11-2014, gạo Campuchia được đánh giá là có chất lượng tốt hơn gạo Thái Lan. Có được kết quả này không phải do Campuchia có tài mà do Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) giúp đỡ Campuchia với dự án phát triển thương hiệu gạo. Theo đó, ITC giúp Campuchia xác định lại giống lúa có chất lượng cao nhất rồi đưa sang xây dựng nhà máy hiện đại, đồng thời giúp DN tổ chức cho nông dân trồng giống lúa đó. ITC còn hỗ trợ 8 DN, những DN này làm đúng theo quy trình mới được tài trợ và đạt kết quả như mong muốn.
Trong khi đó, các DN Việt Nam không quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu mà chỉ mua lúa thông qua thương lái thì không thể xây dựng thương hiệu được. Cục Xúc tiến thương mại lại không có những chính sách để khuyến khích DN xây dựng thương hiệu, cuối cùng không giúp được DN nào đi triển lãm được.
Xin cảm ơn ông!