Đây là hoạt động góp phần triển khai có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tăng cường khả năng tiếp cận thông tin tri thức cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi .
Theo đó, Thư viện tỉnh Tuyên Quang đã bàn tủ sách cộng đồng tại các xã Tân Mỹ, Trung Hà, Bình Nhân và Hòa An, mỗi tủ sách trang bị cho các xã gồm gồm 292 cuốn sách.
Trước đó, Thư viện tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành lựa chọn các loại sách phù hợp, xây dựng tủ sách phong phú nhiều thể loại chính trị, văn hoá, xã hội, y tế, nông nghiệp, pháp luật, đời sống, sách thiếu nhi. Nội dung tập trung vào các nội dung về thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình, du lịch, phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giới thiệu nét đẹp văn hoá, đặc sắc của gia đình, thôn bản, làng, xã trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, giới thiệu các phương pháp, kỹ năng bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc phù hợp với đối tượng thụ hưởng.
Các xã được thụ hưởng dự án đã bố trí, sắp xếp tủ sách ở vị trí thuận lợi để nhân dân đến tìm hiểu, đọc và tham khảo, qua đó góp phần phát huy hiệu quả công năng của tủ sách.
Thư viện tỉnh Tuyên Quang cũng trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách cách quản lý, sử dụng tủ sách, giúp bà con nhân dân tiếp cận hiệu quả nguồn tài liệu của các tủ sách cộng đồng mà các xã được tiếp nhận dự án.
Trong năm 2023, thực hiện triển khai Dự án 6 trên địa bàn Chiêm Hóa, Thư viện tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao tủ sách cộng đồng cho 4 thôn Pác Cháng (xã Linh Phú), bản Ba (xã Tri Phú), Khau Tàm( xã Kiên Đài) và Yên Vinh (xã Yên Lập) hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, nhu cầu của địa phương.
Việc hỗ trợ tủ sách cộng đồng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc tiếp cận với văn hóa đọc. Thông qua mô hình này không chỉ tạo điều kiện cho đồng bào có thêm nguồn tài liệu để phục vụ cho học tập, công tác, giải trí, trau dồi kiến thức khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, nâng cao dân trí, mà còn góp phần nâng cao ý thức về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, từng bước nâng cao mức thụ hưởng về đời sống văn hóa, tinh thần gắn với phát triển du lịch cộng đồng.