Hà Nội phát động triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số. |
Xây dựng 39 mô hình chính quyền số, kinh tế số, xã hội số
Phát động tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, đây là một trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số năm 2024 của thành phố với chủ đề năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”.
Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, với quyết tâm đến năm 2030 xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới, Hà Nội đã có định hướng cụ thể bằng Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 239/KH-UBND của UBND thành phố về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. |
Theo ông Hà Minh Hải, Hà Nội với quy mô hơn 10 triệu dân, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn có không ít thách thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong hai năm 2022-2023, thành phố đã tạo ra sự biến chuyển tích cực trong công tác tổ chức triển khai chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước.
Theo đó, thành phố đã hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành một ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban; tích hợp các kế hoạch thành một kế hoạch chuyển đổi số để thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát...
Nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội còn là địa phương đầu tiên trong cả nước, đã ban hành nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”). Đáng chú ý, lần đầu tiên lãnh đạo thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung Quản lý văn bản và Điều hành thành phố Hà Nội; 100% các cơ quan nhà nước thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố 3 cấp được kết nối với trung ương…
Trong năm 2023, một số mô hình chuyển đổi số đã được các đơn vị đề xuất, tổ chức triển khai thí điểm hiệu quả như thanh toán không dùng tiền mặt như: tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” của quận Hoàn Kiếm; tuyến đường thanh toán thông minh của thị xã Sơn Tây; thanh toán không dùng tiền mặt tại các nhà trường, chợ, tại bộ phận một cửa quận, phường và chi trả lương hưu và người hưởng chính sách an sinh xã hội; mô hình xã, phường chuyển đổi số đang được một số đơn vị bước đầu triển khai tại huyện Hoài Đức, quận Long Biên và quận, huyện, sở, ngành thành phố...
Các đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi số tại bộ phận “một cửa” UBND quận Long Biên (Hà Nội). |
Người dân ở bất kỳ đâu đều có thể tiếp cận nhanh các ứng dụng số
Nhấn mạnh năm 2024, Hà Nội xác định chuyển đổi số với chủ đề của năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”, ngoài mục tiêu nhằm triển khai hiệu quả các mô hình chuyển đổi số điển hình, ông Hà Minh Hải mong muốn các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn thành phố cùng chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của chuyển đổi số; với mục tiêu hướng tới người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả.
Hưởng ứng phát động của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường - đại diện cho các đơn vị tham gia triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số, đã công bố Kế hoạch triển khai mô hình chuyển đổi số trên địa bàn quận.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường, thời gian qua, quận Long Biên là đơn vị luôn tích cực đi đầu trong triển khai áp dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện các nhiệm vụ của thành phố giao như: triển khai phần mềm quản lý sổ tay Đảng viên; quản lý văn bản tập trung; phần mềm giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo; chữ ký số trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức khối Đảng đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, chính quyền các cấp từ quận đến phường; số hóa các dữ liệu như hộ tịch tư pháp, quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường.
Đặc biệt, toàn quận quyết liệt thực hiện nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính bằng việc hoàn thành nâng cấp cải tạo đồng bộ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) quận và 14 phường trên địa bàn với nhiều sáng kiến lần đầu được áp dụng như: số hóa thông tin danh mục TTHC phải công khai phục vụ chia sẻ dữ liệu giữa quận và phường; biên tập rút ngắn thông tin giải quyết của 324 TTHC thuộc thẩm quyền phục vụ người dân tra cứu, lấy số xếp hàng giúp tiết kiệm ngân sách đầu tư hàng tỷ đồng...
Cùng với đó, đưa mô hình đặt lịch hẹn trước với cán bộ tiếp nhận và trả kết quả dành riêng cho công dân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công Hà Nội vào vận hành để khuyến khích hồ sơ nâng cao số lượng hồ sơ trực tuyến; quyết liệt rà soát rút ngắn thời gian giải quyết TTHC đối với 20% số TTHC thuộc thẩm quyền…/.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã tham mưu UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch 310/KH-UBND về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điểm hình tại các cơ quan nhà nước thành phố. Đồng thời, lựa chọn các đơn vị thực hiện bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị và UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên. Quá trình xây dựng kế hoạch, sở này đã trực tiếp khảo sát tại nhiều quận huyện, từ đó xây dựng 39 mô hình chính quyền số, kinh tế số, xã hội số… của thành phố. |