Theo báo cáo công tác thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước tại nhiều địa phương, trong năm 2016 vừa qua, bên cạnh những địa phương thu đạt dự toán, có khá nhiều địa phương hoàn thành vượt mức, thậm chí hoàn thành sớm nhiệm vụ thu của năm. Điển hình phải kể đến những tỉnh thành như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Nghệ An.
Năm 2016, tổng thu tính cân đối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 103,64% so với dự toán và tăng 11,46% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tính cân đối (trừ dầu thô) đạt 106,35% dự toán và tăng 18,72% so với cùng kỳ. Còn tại Hà Nội, tổng thu ngân sách do Cục thuế quản lý thu (không bao gồm cổ tức, lợi nhuận của trung ương) là 157.909 tỷ đồng, đạt 102,3% dự toán, tăng 14% so với thực hiện năm 2015 có loại trừ.
Đồng Nai là một trong số 13 tỉnh có nguồn thu tự cân đối và góp phần điều tiết về ngân sách Trung ương. Tổng thu ngân sách năm 2016 của tỉnh này ước thực hiện 27.360 tỷ, đạt 102% dự toán giao và tăng 12,2% so với thực hiện năm 2015. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016 cũng đạt 11.005 tỷ đồng, bằng 107% so với kế hoạch…
Theo Tổng cục Thuế, cả nước chỉ có 4/63 địa phương không hoàn thành dự toán là Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cà Mau, Kon Tum do những tỉnh này chịu ảnh hưởng lớn từ giảm giá dầu khí và tình hình thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường.
Năm vừa qua, số thu từ dầu ở hầu hết các địa phương đều sụt giảm. Do vậy, để bù lại phải nỗ lực tăng thu trong khu vực nội địa. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Tâm chia sẻ, năm vừa qua, DN vẫn còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, làm ăn thua lỗ, không thu được nợ của khách hàng nên không có tiền để nộp ngân sách nhà nước. Số DN nộp hồ sơ ngừng kinh doanh, bỏ trốn hoặc lâm vào tình trạng thua lỗ ngày càng nhiều.
Thêm vào đó, công tác cưỡng chế nợ thuế gặp nhiều khó khăn như tài sản bị kê biên đã thuộc giao dịch đảm bảo (thế chấp) hoặc giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản, tiền mặt hay tiền trong tài khoản ngân hàng không đủ để thực hiện cưỡng chế; phải chờ thẩm định giá tài sản kê biên và chi phí thẩm định giá cao. Đây là thách thức lớn với ngành Thuế do vừa phải đảm bảo được số thu bằng dự toán được giao, vừa phấn đấu để thu đủ, thu vượt, bù vào số hụt từ dầu thô.
Tuy vậy, để hoàn thành nhiệm vụ, Tổng cục Thuế cũng như Cục Thuế các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để tăng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và công bằng minh bạch cho người nộp thuế. Ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế kiêm Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: “Để đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2016, Cục Thuế đã tham mưu kịp thời với UBND thành phố Hà Nội thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong công tác phòng chống các gian lận về thuế, đặc biệt đã phối hợp với cơ quan Công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ việc vi phạm về hóa đơn, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Nhờ vậy, tổng số tiền thuế nợ đọng đã thu hồi trong năm 2016 là 12.700 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm 2015”.
Cùng với đó, nhiều biện pháp được Cục Thuế địa phương đề ra như: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; tăng ứng dụng thông tin để quản lý dự liệu người nộp thuế; đối thoại và lắng nghe người nộp thuế để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu...
Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ công tác thuế năm 2016 và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2017 mới được tổ chức ngày 11-1, các địa phương tham gia báo cáo đều cho biết, nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2017 sẽ hết sức khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cùng sự đồng hành ủng hộ của DN, lãnh đạo các Cục Thuế đều khẳng định quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách của năm 2017, phấn đấu thu vượt dự toán được giao.