Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chính sách của Đảng, Nhà nước là chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng dự có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1243 ngày 22/10/2024 thành lập Ban Chỉ đạo. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo đã được ban hành tại Quyết định số 126 ngày 5/11/2024.
Nằm trong chuỗi các hoạt động của Tháng Vì người nghèo, đây là phiên họp có ý nghĩa quan trọng để định hướng cách làm, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm thực hiện thành công Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhân dân, trong thời gian qua, chúng ta đã giúp cho khoảng 340.000 hộ người có công với cách mạng và trên 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đến nay cả nước còn khoảng trên 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) cần được hỗ trợ để cải thiện ngôi nhà bảo đảm an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, để thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, chúng ta quyết tâm phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu: Hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu ban đầu đề ra.
Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đồng chí trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính: Xác định rõ mục tiêu, quan điểm, định hướng chỉ đạo để thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025; phân tích, xác định cụ thể những khó khăn, vướng mắc (như: Xác định đối tượng, đất ở, huy động, sử dụng nguồn lực, cách thức triển khai thực hiện…) và biện pháp khắc phục.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành mục tiêu vào năm 2025, với tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả", bảo đảm "5 rõ": Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các thành viên cho ý kiến về nhiệm vụ cụ thể và giải pháp trọng tâm đề xuất trong Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo Thủ tướng, đây là công việc chung của cả hệ thống chính trị, cần phát huy sức mạnh của nhân dân, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện. Do đó, cần thành lập Ban Chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến cấp xã, bám dân, bám cơ sở, Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không làm thay huyện, huyện không làm thay xã; phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được hỗ trợ, tất cả phải chủ động, tích cực, không trông chờ, ỷ lại.
Đồng thời, cộng đồng, dòng họ, người thân… phải giúp đỡ, phát huy tinh thần "tương thân, tương ái", "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều", "ai có gì giúp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít".
Thủ tướng nêu rõ, chính sách của Đảng, Nhà nước là chú trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Mục tiêu cao nhất của Đảng là độc lập dân tộc, chủ quyền đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Do đó, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là việc làm mang tính nhân văn cao cả, là trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp, đòi hỏi trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ, đảng viên.
Báo cáo chi tiết về tình hình hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, cả nước còn khoảng 106.000 hộ người có công khó khăn về nhà ở. Tổng kinh phí dự kiến khoảng trên 4.000 tỷ đồng (mức hỗ trợ xây mới là 60 triệu đồng, mức hỗ trợ sửa chữa là 30 triệu đồng).
Ngày 27/9/2024, Thường trực Chính phủ đã họp về chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỉ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương. Bộ Xây dựng đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.
Về hỗ trợ nhà ở từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia, ước đến hết năm 2024, tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 60.040 hộ (ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 2.300 tỷ đồng).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất bố trí kinh phí năm 2025 nguồn ngân sách Trung ương là hơn 1.266 tỷ đồng để xây mới và sửa chữa khoảng gần 40.000 căn còn lại.
Từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, cả nước đã hỗ trợ được khoảng 18.200 căn cho các hộ nghèo. Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến năm 2025 sẽ hỗ trợ khoảng 21.800 căn nhà với tổng kinh phí khoảng 673.721 triệu đồng.
Về hỗ trợ nhà ở từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Chương trình phát động vào ngày 5/10/2024 đã huy động được 5.932 tỷ đồng… 34/631 địa phương đã ban hành nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc nghị quyết của tỉnh ủy, kế hoạch của ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai Phong trào tại địa phương.
Ngay sau Chương trình phát động của Chính phủ ngày 5/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao 200 căn nhà hỗ trợ tỉnh Quảng Trị; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh 25 tỷ đồng xây dựng 500 căn nhà và thông tin sẽ hỗ trợ tỉnh Nghệ An 10 tỷ đồng; Bộ Công an bàn giao 1.300 căn nhà cho người nghèo tại tỉnh Trà Vinh với tổng kinh phí là 84 tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đến ngày 6/11/2024, Quỹ Vì người nghèo Trung ương đã nhận được thêm trên 10 tỷ đồng ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân.
Tập đoàn KN hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3 tỉnh thuộc Nhóm 1 với tổng kinh phí là 95 tỷ đồng (trong đó: Bà Rịa - Vũng Tàu: 10 tỷ đồng, Đồng Nai: 55 tỷ đồng, Khánh Hòa: 30 tỷ đồng).
Theo thông tin nhanh, có một số địa phương đã kết nối, nhận kinh phí hỗ trợ từ các bộ, cơ quan, đơn vị (Quảng Trị, Thanh Hóa, An Giang...). Câu lạc bộ bóng đá Phù Đổng Ninh Bình và hai cầu thủ Hoàng Đức, Đặng Văn Lâm đã ủng hộ 3 tỷ đồng phong trào thi đua…/.