“Hết hai thằng con trai bị tai nạn xe,ămngườihếtbabệnhtậtỷ le keo rồi tới đứa con gái lớn bệnh nữa, nhiều khi khóc không ra nước mắt”, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, mở đầu câu chuyện nói về mình.
Gia đình bà Linh rất cần sự chia sẻ của cộng đồng, để chị Bích Trân được tiếp tục điều trị bệnh.
Bà Linh kể, mấy năm trước người con trai thứ ba chẳng may bị té xe, rồi cách đó chừng một năm người con trai thứ tư cũng bị tai nạn xe, phải điều trị hơn một năm trời. Sau khi con trai khỏe lại, căn bệnh tâm thần kinh của người con gái trở nặng, thế là mẹ con lại dắt díu nhau vào bệnh viện. Những tháng ngày ở bệnh viện, bà Linh như muốn ngã quỵ, bởi hoàn cảnh gia đình quá khổ.
Bà Linh 50 tuổi, nhưng trông bà già hơn rất nhiều, có lẽ do quá nhiều chuyện xảy đến với gia đình, phải lo lắng quá nhiều. Đảo mắt nhìn quanh nhà, rồi hướng mắt về phía bếp, bà Linh nói: “Hổm rày, bệnh tâm thần kinh của Bích Trân cũng đỡ, nó biết tự bới cơm ăn, tự uống thuốc, nhưng ngặt nỗi lại thêm hai căn bệnh nữa. Vợ chồng tui không dám nói với con, sợ nó lo bệnh tâm thần tái phát nữa lại khổ”.
Chị Bích bị bệnh tâm thần kinh gần 7 năm nay. Những năm đầu khi mới phát bệnh, chị chẳng nói chuyện với ai, suốt ngày ngồi một mình trong nhà, hễ ai lại gần là chị đánh. Bà Linh chỉ dám len lén lúc chị ngủ rồi vào dọn dẹp nhà cửa. Do không biết được con mình bị bệnh tâm thần kinh, vợ chồng bà Linh đã đưa chị đi khắp các “thầy bà” để làm phép. Mãi đến gần đây, gia đình mới đưa chị đến bệnh viện chữa trị. “Suốt 7 năm trời, nhìn con vật vã vì bệnh, tui đau lòng biết bao nhiêu. Nhất là những lúc nhìn mặt người thân, Bích Trân không có cảm xúc gì, thậm chí chẳng gọi tui là mẹ suốt ngần ấy năm. Cách đây khoảng 3 tháng, khi ở bệnh viện điều trị bệnh đỡ hơn, Bích Trâm gọi mẹ, tui mừng đến nỗi bật khóc”, bà Linh thổ lộ.
Trước đây, chị Bích Trân học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp 12, chị được người quen giới thiệu sang nước Đức để làm việc. Những tưởng tương lai tươi sáng đến với chị, song sau khi ở Đức hơn 1,5 năm để học tiếng và chuẩn bị thi tuyển vào công ty làm, thì chị phát bệnh. Để lo chi phí chữa bệnh cho chị, gia đình đã vay mượn khắp nơi, chỉ mong chị sớm ngày khỏi bệnh. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, chị Bích Trân đã đến Bệnh viện Tâm thần thành phố Cần Thơ để chữa trị, nhờ vậy, tinh thần ổn định hơn. Chưa hết vui mừng khi bệnh tâm thần của chị Bích Trân thuyên giảm, nào ngờ, cách đây hơn một tháng, thấy chị cứ hay đau bụng và bụng thì cứ to lên, khi đi khám bác sĩ cho biết chị bị u nang, sỏi gan. Biết được bệnh tình của con gái, biết bao đêm bà Linh khóc thầm, bởi chẳng dám để chị Bích Trân nhìn thấy, sợ chị lo lắng lại ảnh hưởng tinh thần, phát bệnh trở lại. Bà Linh bộc bạch: “Tháng trước, người quen cho mượn tiền, tui dẫn Bích Trân lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ khám, bác sĩ nói, cái nang cần phải mổ, do không có tiền, tui cũng chẳng dám hỏi ca mổ bao nhiêu, mà chỉ lẳng lặng dẫn con về nhà”.
Trước đây, đời sống gia đình bà Linh cũng ổn định, ông bà làm nhà máy xay gạo, thế nhưng làm ăn thua lỗ, kinh tế khánh kiệt. Rồi các con bị bệnh, tai nạn, do đó, cuộc sống càng thắt ngặt hơn. Hiện nay, để lo kế mưu sinh và có tiền điều trị bệnh cho chị Bích Trân, vợ chồng bà Linh đi làm cho nhà máy kế bên nhà, ngày nào làm nhiều cũng được 150.000 đồng, ngày nào ít thì vài chục ngàn đồng, thậm chí chẳng có đồng nào, nên cuộc sống rất chật vật. Vì vậy, trước căn bệnh chị Bích Trân gặp phải, vợ chồng bà Linh rất khổ tâm, bởi với tình cảnh này thì làm sao có tiền lo phẫu thuật cho con.
Do ảnh hưởng của bệnh sỏi gan, nên chị Bích Trân thường hay đau bụng, buổi tối chị hay nằm sấp để ngủ, nhìn con như vậy vợ chồng bà Linh rất xót xa. Để chữa bệnh cho con, những chỗ vay mượn được, gia đình đều mượn cả rồi, giờ chỉ hy vọng có phép màu giữa đời thường để tiếp tục chữa bệnh cho con. “Dẫu túng thiếu, vợ chồng tui cũng cố vay mượn chữa bệnh cho con, nhìn thấy Bích Trân không dám ăn bởi ăn vào bụng to lên, rồi lo sợ nó thường hỏi tui “mẹ ơi, con bị gì mà kỳ vậy mẹ, bệnh con có sao không”... những lúc ấy, tui cố trấn an dỗ dành, để con an tâm, còn mình thì chết lặng trong lòng, bởi làm sao có tiền chữa bệnh cho con. Nếu không được chữa trị thì Bích Trân sẽ ra sao...”, bà Linh nghẹn ngào.
Hiện nay, căn nhà mà gia đình bà Linh đang ở cũng đã xuống cấp, mái tôn bị thủng nhiều chỗ, mỗi trận mưa qua đều bị dột nước. Dù vậy, bà Linh cũng chẳng mong được sửa nhà, mà chỉ mong có được số tiền để trị bệnh cho Bích Trân, để chị không phải chịu đựng những cơn đau. Tấm lòng người mẹ là như vậy, trước tình cảnh này, rất mong các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gần xa quan tâm, chia sẻ để gia đình bà Linh vượt qua cơn khốn khó, nhất là chị Bích Trân được tiếp tục chữa bệnh.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, khu vực Bình Thạnh B, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ hoặc Đội công tác xã hội Báo Hậu Giang, đường Võ Văn Kiệt, phường V, thành phố Vị Thanh. Số điện thoại: 0293.3878769.
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU