Tiến sỹ,ệnkỳdiệutrongyhọcSinhconvớingườiquácốgiải hạng hai đức bác sỹ Lê Văn Vệ bế hai bé trai song sinh của chị Hoàng Thị Kim Dung. Ảnh :P.V
TS.BS Nam học Lê Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội (BV NH & HM) đã đưa ra thông tin gây sửng sốt cho các đồng nghiệp và chưa từng thấy ở Việt Nam này ở cuối buổi Hội thảo quốc tế “Cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản” được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
TS. Vệ cho biết, cách đây bốn năm, anh Hồ S.N. chồng của sản phụ Hoàng Thị Kim Dung đi xe máy qua đường ray thuộc địa phận huyện Thanh Trì, Hà Nội không may bị tàu lửa va phải gây tử vong. Thông tin vụ tai nạn được báo đến gia đình, người nhà chị Kim Dung tức tốc tìm đến hiện trường. Đau đớn, ngất lịm trước sự ra đi đột ngột của chồng nhưng tỉnh lại, chị Kim Dung nghĩ đến việc bằng mọi cách liên lạc tới một bác sĩ nam khoa.
TS. Lê Văn Vệ nhận được cuộc điện thoại từ người thân của chị Kim Dung đã rất ngạc nhiên trước lời đề nghị là muốn được giữ lại tinh hoàn của chồng. Thời điểm anh N. ra đi khoảng 13h, nhưng tiến sĩ Vệ nhận được điện thoại khoảng lúc 17h. TS. Vệ tức tốc tìm tới Bệnh viện huyện Thanh Trì. Lúc này anh N. đã được đưa xuống nhà xác bệnh viện.
Khi đến nơi nạn nhân đã qua đời được 6 tiếng, TS. Vệ rất lo lắng. Anh N. có thân hình to cao gương mặt như đang ngủ. Tiến sĩ mạnh dạn rạch góc đùi phải người đàn ông lấy tinh hoàn bên phải ra. Khâu lại xong, tiến sĩ đưa về BV NH & HM Hà Nội cùng các cộng sự tiến hành làm các xét nghiệm.
Xác định tinh hoàn của người đàn ông vẫn còn tinh trùng còn sống, ngay sau đó 14 mẫu tinh trùng của anh N. được trữ đông ở nhiệt độ âm 196 độ C. Ngày 20/3/2010 ấy là một ngày đặc biệt, tiến sĩ Vệ không thể nào quên.
Các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm 2 cháu bé tại nhà riêng, cùng chị Hoàng Thị Kim Dung (hàng sau bên trái).
14 mẫu tinh trùng trữ đông này đều đặn được kiểm tra hằng tháng. Tháng 3/2013, sau khi đã mãn tang chồng, chị Hoàng Thị Kim Dung đến BV NH & HM đề đạt nguyện vọng muốn được sinh con bằng thụ tinh ống nghiệm từ tinh trùng của anh N. đang được BV này lưu giữ.
TS. Vệ rất băn khoăn trước lời đề nghị này bởi chính gia đình chị Kim Dung, hai bên nội ngoại có nhiều người không ủng hộ, thậm chí phản đối. Song bằng tình yêu mãnh liệt với người chồng đã khuất, chị Kim Dung quyết tâm sinh con bằng thụ tinh ống nghiệm.
Ca thụ tinh ống nghiệm cho chị Kim Dung khá vất vả, qua nhiều lần mới chuyển được phôi. TS Lê Văn Vệ cho biết, với phương pháp hỗ trợ sinh sản này con giống của nam giới và trứng của người phụ nữ được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên.
Có mặt tại hội thảo quốc tế “Cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản”, Giáo sư - Tiến sỹ Thomas D’Hooghe của trường Đại học Leuven (Bỉ), nơi có một bệnh viện trực thuộc trường với 2.000 giường bệnh đã phát biểu: “Tôi làm ở bệnh viện thuộc Đại học Leuven từ năm 1984. Suốt ngần ấy năm và trước đó ở Bỉ tôi chưa từng thấy một ca thụ tinh ống nghiệm nào đặc biệt như vậy”. Theo PGS. Nguyễn Viết Tiến và cộng sự (2013): Tỷ lệ vô sinh trong cộng đồng chiếm 7,5%. Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (in vitro fertilization - IVF) đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên tỷ lệ thành công trong IVF mới chỉ đạt khoảng 30-40%. |
May mắn đã đến với chị Kim Dung khi chị đậu thai đôi. Và ngày 9/12/2013 chị đã sinh mổ thành công hai bé trai bụ bẫm, một cháu nặng 2,4kg, một cháu nặng 2,6 kg. Đích thân PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đứng ra tiến hành phẫu thuật mổ đẻ cho chị Kim Dung.
Đây được coi là một thành tựu y học trong lĩnh vực sinh sản chưa từng thấy ở Việt Nam. Xét nghiệm AND ngày 19/12/2013, với mẫu xét nghiệm là mô tinh hoàn trữ đông của người cha là Hồ S.N., và tế bào niêm mạc miệng của người mẹ Hoàng Thị Kim Dung, cùng tế bào niêm mạc miệng của hai cháu Hồ Sỹ H.Đ., và Hồ Sỹ H.H., cho kết luận: “Hồ S.N. là cha sinh học (cha đẻ) của Hồ Sỹ H.Đ., và Hồ Sỹ H.H., với xác xuất là 99,999999%”.
Chị Hoàng Thị Kim Dung quê ở Nghệ An, là tiến sĩ, giảng viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Chị yêu anh N. trong suốt thời gian hơn 5 năm mới tiến hành lễ cưới. Đó cũng là quãng thời gian chị du học ở Pháp, anh ở nhà chờ đợi. Cưới nhau tính ra được hơn một năm thì có tới 6 tháng chị phải xa chồng, sang Pháp để làm xong luận án tiến sĩ. Cuộc sống vợ chồng ngắn ngủi khi anh ra đi ở tuổi chưa đầy 30.
Chính những năm tháng du học ở Pháp, chị Hoàng Thị Kim Dung đã đọc được một cuốn truyện trong đó có chi tiết người đàn ông mất một cách đột ngột, người ta đã tìm cách vội vàng lấy tinh hoàn vùi trong đống tuyết để sau đó mang đến bệnh viện lọc tinh trùng để thụ tinh cho người vợ sinh con.
Ám ảnh chi tiết này, khi anh N. chồng mình không may bị tai nạn qua đời, chị Hoàng Thị Kim Dung đã gọi nhiều cuộc điện thoại sang Pháp để tham khảo ý kiến về việc lưu giữ tinh hoàn. Và cuối cùng từ cuộc liên lạc tới tổng đài 1080 xin số máy một bác sĩ nam học, chị và người nhà đã có số máy của TS.BS Lê Văn Vệ với nguyện vọng được lưu giữ tinh hoàn của anh N. vào ngân hàng tinh trùng.
Sau khi có kết luận ADN, rằng hai cháu bé chắc chắn được sinh ra từ con giống của người chồng quá cố, niềm vui của gia đình chị Hoàng Thị Kim Dung (giảng viên Đại học BKHN) như vỡ òa. Đó cũng là lúc gia đình chị đề nghị được mời TS. BS Lê Văn Vệ làm người cha đỡ đầu cho hai cháu bé khôi ngô như được sinh ra từ một phép nhiệm mầu này. Hai cháu bé vừa sinh, khỏe mạnh. Tiến sĩ Vệ chia sẻ: “Mấy chục năm trong nghề, từng dự các khóa đào tạo về Nam học và Hiếm muộn ở Mỹ, Anh, Đức, Úc, và đặc biệt là Bỉ, tôi chưa hình dung được có một ngày ca thụ tinh ống nghiệm mà con giống được lấy từ người đàn ông đã khuất lại thành công ở Việt Nam ta. Điều kì diệu ấy khiến tôi xúc động”. Tiến sĩ Vệ cho biết, trước mắt BV NH&HM Hà Nội sẽ chu cấp đủ sữa nuôi hai cháu bé đến tròn một tuổi. |
Theo Tiền phong